“Hồi tưởng” - Bản nhạc “cứu vớt” con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận
Những năm 1988-1990 dòng người Việt Nam đi xuất khẩu lao động sang Đức tăng lên đột ngột.
Trong số đó, có một người bạn thân của tôi, tên là Đỗ Hồng Thao, anh học cùng thời với tôi từ năm 1975-1979 (anh là con trai của cố nhạc sĩ nổi tiếng Đỗ Nhuận) cũng sang Đức lao đông theo diện con em cán bộ Xuất khẩu lao động. Bức tường Berlin sụp đổ, Thao cũng như nhiều công nhân hợp tác lao động khác bị thất nghiệp và phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày.
Chúng tôi thường gặp nhau khi rảnh rỗi, ôn lại những kỷ niệm xưa cùng nhau học tập ở Việt Nam, cùng nhau đi đánh “Pắc chung y” (Chơi nhạc thuê, kiếm tiền, cách nói lái của dân nghệ sĩ). Đôi khi đi đệm đàn cho các ca sĩ như Ái Vân, Ngọc Tân, Lệ Quyên… hát. Cũng có khi bí tiền đi chơi nhạc trong đám cưới ở các phòng cưới thủ đô.
Nghệ sĩ guitar Đặng Ngọc Long cùng đạo diễn và quay phim "Krause Glucke" |
Hồi đó chẳng có thù lao thực hiếm hoi, thường là nhạc công đến giúp chỉ được ăn một bữa trước khi đám cưới, và một bữa sau khi đám cưới, bởi thế nên trong khi đánh đàn các nghệ sĩ thường “thóng” kẹo, “thóng” thuốc lá cho vào thùng đàn. Mỗi lần đi đánh đám cưới về là các bạn ở nội trú ùa xuống sân trường ngồi với chúng tôi để chia nhau chiến lợi phẩm “thóng” được…
Thao tự dưng là trưởng nhóm, vì anh là “con ông to” lại ở ngoại trú, có nhiều mối quan hệ nên anh thường ổ chức cho chúng tôi đi đánh “pắc” khắp nơi. Nhớ một lần đi đánh đám cưới cho một thành viên ở Thanh Hóa, cả lũ đi tàu hỏa về quê, đến thị xã, trên đường đi từ ga về địa điểm bị công an bắt và cắt hết tóc dài và rạch quần loe. Thời đó ở miền bắc còn cấm ăn mặc kiểu “hippie”, “beatles”!
Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), mỗi người đi một ngả, tôi sang Đức học tiếp đại học, Thao làm việc trong một dàn nhạc giao hưởng ở Việt Nam. Quả đất xoay tròn thế nào, cuối cùng Thao cũng sang Đức.
Ở Berlin, chúng tôi gặp nhau thường xuyên, có hôm Thao đến nhà tôi nấu món “cháo cá” cho tôi ăn, Thao hiền lành và chăm chỉ, trong tuần thì đi bán quần áo thuê cho một đôi vợ chồng người Việt (Hùng râu) cũng là bạn tôi. Công việc rất vất vả, đứng ngoài trời mưa tuyết, có hôm âm 20 độ, vẫn phải đứng bán. Tôi thấy thương Thao quá, đằng đằng một nghệ sĩ dàn nhạc giao hưởng, đằng đằng con một ông nhà nòi về âm nhạc mà lao động gian nan thế, cực nhọc thế… Thao ở Việt Nam từ bé đến lớn chưa bao giờ biết khổ là gì, chả biết làm việc gì ngoài học đàn và đánh đàn cả, vì thế, sự làm ăn chân tay vất vả sau khi nước Đức thống nhất làm Thao suy nghĩ lắm.
Nghệ sĩ guitar Đặng Ngọc Long. |
Thế rồi một đêm anh tâm sự với tôi về sự trở về Việt Nam, vì khổ cực quá anh lao động không quen và rét mướt quá anh không chịu nổi, tiền thì chẳng có để gửi về giúp đỡ gia đình hoặc ít nhất cũng để dành một ít cho tương lai. Thao buồn bã sinh ra uống rượu, anh uống rất nhiều, lúc nào cũng say khướt, người tóp teo, mắt hốc hác thâm quầng. Có lúc say mềm như mê sảng, Thao đòi tự tử…
Có hôm Thao uống say, trên đường tôi chở anh ra ga tàu để về nhà (nhà Thao ở thành phố Neubrandenburg cách Berlin khỏang 200 km), anh vặn tay lái xe tôi đòi quay trở lại, hoặc ra đến ga rồi anh vẫn không chịu lên tàu, mà rình tôi chào tạm biệt quay đi là anh nhảy xuống tàu quay trở lại nhà tôi…
Tôi đã động viên Thao rất nhiều, phân tích cho anh tình hình nước Đức và hoàn cảnh chung của người Việt ở Đức, chứ không phải riêng ai, phải chấp nhận.
Thao không nghe tôi, không chấp nhận mà lật ngược vấn đề. Thao luôn đặt câu hỏi: “Làm thế để có tiền thật nhanh, làm thế nào để có tiền thật nhiều?”. Hai câu hỏi đó cứ lởn vởn trong đầu và xoắn vào óc anh, và một ngày kia anh tâm sự, anh “sẵn sàng làm liều” để có thật nhiều tiền!
Tôi khuyên anh hãy bình tĩnh lại, không nóng vội, không cẩu thả suy nghĩ bậy bạ như vậy. Có khi tôi rất cương quyết, có khi năn nỉ anh không được làm như thế nhưng anh nhất quyết không nghe…anh còn dự tính trong đầu, lập kế hoạch…
Tôi rất buồn, buồn cho anh, buồn cho thân phận người Việt ở đây, thương cho anh, thương cho bạn tôi đang phải đối mặt với một tình huống “ngàn cân treo trên sợi tóc”…
Đêm ấy chúng tôi nằm bên nhau, cả đêm không tài nào ngủ được… và… âm hình “lá, fa fa, lá đô” vang lên trong đầu tôi, cứ thế cùng những giọt nước mắt tôi viết cho đến sáng, cho đến chùm âm hưởng cuối cùng…
Cả tuần hôm đó tôi hoàn thiện thật nhanh tác phẩm “Hồi tưởng” và mời anh đến tôi đánh cho anh nghe, tôi nói: “Bản nhạc này tao viết cho mày đấy, vì mày mà những nốt nhạc này mới ra đời”. Thao xúc động, rơm rớm nước mắt, và sau đó cứ thế như đứa trẻ mới lên ba, ôm tôi khóc mãi, khóc mãi.
Nghệ sĩ guitar Đặng Ngọc Long nhận giải thưởng tại Liên hoan phim Leipzig. |
Một cuối tuần sau đó anh dẫn tôi đến một nhà người quen cũng là bạn chung sau này, vợ chồng Hùng Lý ở Berlin. Thao giới thiệu tôi và “khoe” với Hùng Lý là tôi đã sáng tác cho Thao một tác phẩm âm nhạc. Hùng Lý cũng rất thích và đề nghị tôi biểu diễn, sau khi tôi biểu diễn xong, Thao nói với tôi (như là để có mặt anh bạn kia làm chứng) là mày đề tặng tao thật nhé. Tôi nói lại một lần nữa và khẳng định “tác phẩm này tao tặng mày”.
Từ nhà người bạn ra về, trên đường đi anh nhè nhẹ nói với tôi: “Long ạ, từ hôm nghe bản nhạc của mày viết cho tao, mạch âm thanh giai điệu, hòa âm làm tao nhớ lại thời thanh xuân, thời tuổi thơ mộng mơ, những ngày tháng chúng mình cùng đi “Pắc chung hi” cùng ăn “bo bo”, cùng “bắt tóp” thuốc… tao đã hồi tưởng và sực tỉnh. Tao hứa với mày, tao sẽ về Việt Nam dù trong tay không có đồng nào, tao sẽ về với hai bàn tay trắng và về với một tâm hồn sảng khoái tràn đầy yêu thương của “anh trai” tao, của “em gái” tao và của bao người thân, anh em bạn bè...”.
Và Thao, người bạn tôi bỏ giấc mơ Thiên đường đã trở về Việt Nam…
Vài năm sau này, một lần về Hà Nội biểu diễn trong chương trình “Xuân quê hương” do Bộ Ngoại giao tổ chức, gặp nhau, Thao vui lắm, đi theo tôi suốt, hai anh em cứ xoắn xuýt bên nhau, Thao kể tôi nghe anh đã lấy vợ, sinh con, có công ăn việc làm…Vì Thao làm việc trong trung tâm bảo vệ bản quyền, nên anh nói: “Tao sẽ đăng ký bài “Hồi tưởng” ở Việt Nam để lấy tiền bản quyền chứ nhỉ”, cả hai cùng cười vang…
Trong khi hồi tưởng và viết lại những dòng này, tôi không quên thắp một nét hương cho bạn tôi, vì sau này bạn tôi đã ra đi vì căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Thật là thương một cuộc đời!
Bản “Hồi tưởng” sau này vinh dự được Hội đồng giám khảo các cuộc thi ghi ta toàn châu Âu đưa vào làm bài thi bắt buộc cho cuộc thi guitar quốc tế tại Berlin năm 2014./.
No comments