Chồng chéo luật, buông lỏng quản lý khiến di tích bị xâm hại nhiều
Trong thời gian qua, báo chí và dư luận “nóng” lên vì câu chuyện hàng loạt công trình di tích kiến trúc, đặc biệt là các công trình kiến trúc cũ – cổ chưa được xếp hạng bị xâm hại, hoặc thậm chí phá bỏ. Tiêu biểu như trường hợp hạ giải và cải tạo Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu, tháp Chăm Bình Định bị gắn biển quảng cáo, tòa nhà Trạm phát sóng Bạch Mai bị hủy hoại một phần...
Những vụ việc trên đang đặt ra nhiều thách thức cần đổi mới và hoàn thiện trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích kiến trúc chưa được xếp hạng. Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với GS.TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL về vấn đề này.
PV: Ttình trạng xâm hại các công trình di tích kiến trúc, di sản văn hóa vật thể diễn ra tràn lan, theo ông, nguyên nhân do đâu?
GS.TS Trương Quốc Bình: Theo số lượng kiểm kê phổ thông, nước ta có đến hàng vạn địa điểm di tích. Trong số này, có gần 4.000 di tích được xếp hạng là di tích quốc gia, 105 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên đã được UNESCO vinh danh. Ngoài ra, chúng ta có hàng nghìn di tích cấp tỉnh, thành phố. Trong những năm qua, chúng ta đã làm tốt việc bảo vệ và phát huy giá trị những di tích lịch sử văn hóa rất độc đáo này.
Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu. Ảnh: Giang Huy/Vnexpress. |
Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn tồn tại nhiều bất cập mà báo chí, công luận đã chỉ ra. Tình trạng vi phạm sự toàn vẹn của di tích đã và đang diễn ra một cách khá phổ biến ở hầu khắp các địa phương trên cả nước, từ Nam đến Bắc, từ đô thị cho đến miền núi.
Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại di tích đang tương đối phổ biến, đó là hệ thống luật pháp về di tích không được tôn trọng. Mặc dù chúng ta có Luật Di sản Văn hóa - một trong những công cụ pháp lý hết sức quan trọng, nhưng chưa đi vào cuộc sống.
Sự thiếu thống nhất của các hệ thống văn bản pháp luật cũng dẫn đến những trường hợp đáng tiếc. Ví dụ như Luật Di sản Văn hóa có những quy định chưa thống nhất với Luật đất đai, chưa thống nhất với Luật bảo vệ rừng, với Luật đầu tư xây dựng. Vì vậy, dẫn đến tình trạng đất đai của di tích bị xâm phạm, các công trình bị tu sửa, bị sửa chữa một cách tùy tiện, không theo quy định nào cả.
Ngoài ra, sự buông lỏng quản lý của các cấp ngành cũng là điều đáng để nói. Theo tôi, những người đứng đầu các cấp có liên quan theo quy định của luật cần phải chịu trách nhiệm về tình trạng xâm hại di tích tương đối phổ biến hiện nay.
Tòa nhà Trạm phát sóng Bạch Mai bị phá dỡ khi chưa lập hồ sơ công nhận di tích. |
PV: Có một tình trạng là những người làm công tác quản lý của ngành di sản không thể bao quát hết được các tỉnh thành do nhân lực còn hạn chế. Tuy nhiên, khi phân cấp quản lý di sản cho cho các địa phương thì lại chưa đủ chuyên môn, các cán bộ nhiều khi chưa hiểu tầm quan trọng của di sản nên đã dẫn đến sự xâm hại. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
GS.TS Trương Quốc Bình: Rõ ràng tình trạng quản lý chưa đồng bộ, còn thiếu những quy định là nguyên nhân hết sức cơ bản. Việc phân cấp quản lý di sản cũng có nhiều sự chồng chéo.
Theo luật, Cục Di sản Văn hóa thay mặt Bộ VHTT&DL quản lý nhà nước về những di tích lịch sử văn hóa này. Tuy nhiên, bên cạnh Bộ VHTT&DL còn có những bộ, ngành khác như Bộ Quốc phòng quản lý các di tích về lịch sử quân sự; Bộ Công an quản lý các di tích, bảo tàng liên quan đến ngành Công an; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý các khu rừng đặc dụng có liên quan đến di tích...
Hệ thống quản lý ở địa phương, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cũng đang có những bất cập, mỗi một nơi quản lý một kiểu. Có di tích trực thuộc UBND tỉnh như di tích Cố đô Huế, có di tích trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch địa phương như Thành nhà Hồ của Thanh Hóa. Có di tích lại thuộc quản lý cấp huyện như khu di sản thế giới Mỹ Sơn và khu di sản Hội An...
Từ cấp Bộ xuống tỉnh/thành phố, đến cấp huyện, thị xã, phường... dẫn đến tình trạng không đủ cán bộ chuyên môn. Có những di tích rất quan trọng trên địa bàn nhưng thiếu chuyên môn nên để dân tùy tiện sửa chữa, làm rất nhiều công trình vi phạm nhưng không biết, không kịp thời xử lý. Đến lúc công luận vào cuộc thì cơ quan quản lý mới biết, bắt đầu tham gia. Đây là tình trạng hết sức bất cập trong quản lý Nhà nước về di sản văn hóa. Trong bối cảnh như thế này, nếu không thay đổi nội dung quản lý Nhà nước, thời gian tới đây, tình trạng xâm hại di tích chưa thể khắc phục được.
PV: Là một người gắn bó lâu năm với công tác bảo tồn di sản, ông có đề xuất gì để chúng ta tạm thời khắc phục những bất cập đó?
GS.TS Trương Quốc Bình: Tôi cho rằng, trong thời gian tới, Luật Di sản Văn hóa cần được bổ sung, chỉnh sửa những quy định về vấn đề quản lý di tích văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Để làm sao các cấp, các ngành trong phạm vi của mình phải thực thi vai trò quản lý Nhà nước một cách hữu hiệu.
Từ trước đến nay, chúng ta chưa từng xử lý một vụ nào nặng nề, quy trách nhiệm hình sự rõ ràng, cụ thể cho việc xâm hại di tích dù có những vụ hết sức nghiêm trọng. Tôi cho rằng luật đang bị “nhờn” và chúng ta cần phải thắt chặt lại.
Thứ 2, phải có sự đồng bộ giữa Luật Di sản Văn hóa và các bộ Luật khác ở Việt Nam hiện nay. Rõ ràng đang có sự chồng chéo.
Ngoài ra, chúng ta cũng chưa tiến hành tốt việc kiểm kê các di tích. Trạm phát sóng Bạch Mai là nơi phát bản Tuyên ngôn độc lập, có giá trị lịch sử, nhẽ ra phải được đưa vào danh mục kiểm kê, phải nằm trong sự quản lý của Nhà nước nhưng chúng ta không làm được. Sau khi bị phá, sẽ rất khó để khôi phục nguyên trạng. Qua những sự việc như vậy, các cấp chính quyền và các bên liên quan cần phải rút kinh nghiệm triệt để, tránh những trường hợp đáng tiếc như Trạm phát sóng Bạch Mai trong tương lai.
PV: Khi phát triển đô thị, đôi khi những địa danh lịch sử không còn giá trị sử dụng nữa. Ông nghĩ thế nào về việc hy sinh bảo tồn để phát triển?
GS.TS Trương Quốc Bình: Trong những năm gần đây, nhu cầu phát triển to lớn của kinh tế - xã hội dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển ngày càng tăng cao. Đây là tình trạng chung, không phải chỉ ở riêng Việt Nam mà trên cả thế giới. Chúng ta không thể nghĩ rằng mọi công trình có giá trị đều phải được giữ nguyên như nó đang có. Đấy là cực đoan, cản trở đến nhu cầu phát triển của xã hội.
Ví dụ như nhà thờ Bùi Chu có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Dù chưa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nhưng vẫn phải đặt nó trong sự bảo vệ. Tuy nhiên, đây là công trình của giáo dân vẫn sử dụng để thực hành các nghi lễ tín ngưỡng. Hiện tại nhà thờ đã xuống cấp, không an toàn, thể theo nguyện vọng của giáo dân cần xây dựng lại trên nền đất cũ, tôi cho rằng vẫn nên để họ thực hiện.
Còn có rất nhiều công trình kiến trúc khác xảy ra vấn đề trong quá trình phát triển mà chúng ta vẫn giữ gìn được rất tốt như nhà thờ đá Phát Diệm hay cầu Long Biên. Việc duy trì cầu Long Biên trên thực tế rất nan giải bởi chúng ta phải tính đến giao thông đường thủy trên sông Hồng hiện tại và sau này.
Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, không thể nào lấy mục tiêu phát triển phủ nhận những công trình như hiện nay. Nhưng xét đến góc độ bảo tồn di sản, không thể nào yêu cầu giữ nguyên gốc, nguyên trạng những cái đang có cho đến bây giờ của quá khứ.
PV: Xin cảm ơn ông./.
No comments