Thương tiếc danh họa cuối cùng của bộ tứ khóa mỹ thuật kháng chiến
Sự ra đi của danh họa cuối cùng trong bộ tứ khóa mỹ thuật kháng chiến để lại khoảng trống khó lấp đầy cho giới mỹ thuật Việt Nam.
Đặng Xuân Hòa, cái tên lớn của hội họa đương đại Việt đã dùng những lời đẹp nhất khi nói về thầy của mình, danh họa Trần Lưu Hậu: “Thầy Hậu là người rất chân thành, hiền lành và hồn hậu. Một người đáng quí. Cá nhân tôi thấy hiếm họa sỹ nào của Việt Nam có đức tính như thầy, suốt cuộc đời thầy dành cho gia đình, cho nghệ thuật, cho công cuộc giáo dục một thời. Thầy để lại ấn tượng rất rõ trong hội họa, trong đào tạo. Nếu không có thầy Hậu không có những thế hệ học sinh như thế.
Tôi thấy mình may mắn vì được học thầy. Những người nào học mỹ thuật nhưng không được học thầy thiệt thòi vô cùng. Được học thầy 1,2 năm đã quí, được học cả quá trình dài lại càng tốt. Cho nên, khi ra trường rồi, tôi vẫn đến trường thăm thầy, vẫn đến nhà thầy chơi, vẫn đến xưởng vẽ của thầy để được học tiếp”.
Khi học năm thứ 3, Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội (Nay là ĐH Mỹ thuật Việt Nam), họa sỹ Đặng Xuân Hòa được học với thầy Trần Lưu Hậu: “Thầy dạy hình họa, dạy chuyên khoa rất giỏi, rất có tâm với sinh viên”, anh nhớ lại. Yêu thích nghệ thuật của thầy nên Đặng Xuân Hòa thường xin thầy những ý kiến đánh giá về tranh. Buổi trưa anh thường ở lại trường, giảng viên Trần Lưu Hậu khi ấy có một phòng riêng trong trường nên Đặng Xuân Hòa thường vào phòng thầy xem tranh và trò chuyện .
Sau này, khi đã là một tên tuổi lớn của hội họa đương đại Việt Nam, Đặng Xuân Hòa vẫn dành cho thầy sự kính trọng, tin yêu, cách xưng hô vẫn không thay đổi. Anh vẫn gọi “thầy” xưng “em” như thuở còn ngồi ở giảng đường đại học. Mỗi chuyến thầy đi thực tế sáng tác trở về, Đặng Xuân Hòa lại thu xếp thời gian đến thăm thầy, ngắm những tác phẩm mới của thầy.
Thầy Trần Lưu Hậu mừng vì học trò ngày càng thành danh: “Thầy cũng có dành lời khen cho tôi. Quan hệ của chúng tôi về sau càng gần gũi và thoải mái hơn. Thầy quí trọng cái mới mẻ và rất tinh tường nhận ra nó, để động viên kịp thời: Cứ làm thế đi; Cứ vẽ thế đi… Trong lời thầy nói chứa đựng sự thân tình, giản dị, không có những bài học triết lí như người khác”, thủ lính “The gang of five” đình đám một thời nói.
Nghe tin danh họa Trần Lưu Hậu ra đi, họa sỹ Lê Trí Dũng, người ghi dấu ấn đặc biệt trong tranh vẽ ngựa đã viết những dòng thành kính: “Vĩnh biệt thầy kính yêu- Họa sỹ Trần Lưu Hậu. Chủ nhiệm Đại học năm thứ nhất 1967-1968 của tôi! Chủ nhiệm suốt đời vẽ của tôi!”.
Anh phác họa chân dung của người thầy đáng kính: “Đôn hậu trong đời thường! Và quyết liệt trong sáng tác!. Học trò Lê Trí Dũng nhớ thầy mãi!”. Họa sỹ Lê Trí Dũng được học thầy Trần Lưu Hậu trong hoàn cảnh đặc biệt, giữa nơi sơ tán Hiệp Hòa, Hà Bắc, học trong lớp tranh tre nứa lá, thôn Hữu Định, xung quanh toàn hầm tăng sê. Những ngày tháng ấy đâu dễ phôi phai trong đời.
Họa sỹ thế hệ 7x Phạm Hà Hải, tuy không may mắn được học thầy Trần Lưu Hậu, song anh có cơ hội làm việc cùng danh họa. Tuy gặp gỡ không nhiều song Phạm Hà Hải ấn tượng đặc biệt với tài năng hội họa lớn này. Trong khi nhiều quan niệm về nghệ thuật mới, nghệ thuật đương đại đua nhau bung nở, họa sỹ Trần Lưu Hậu chỉ “tóm” một câu: “Quan trọng là tính tạo hình”, khiến Phạm Hà Hà bừng tỉnh, càng ngẫm ngợi, càng thấy chí lí.
Chính danh họa Trần Lưu Hậu đã tạo nên cú hích thay đổi toàn bộ con đường Phạm Hà Hải đang đi: “Năm 2016, tôi đến nhà Trần Lưu Hậu gặp gỡ, trao đổi, lấy tư liệu phục vụ triển lãm Mở cửa mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới 1986-2016. Công việc xong xuôi, chúng tôi nói chuyện ngoài lề. Thầy tâm sự việc tham gia công tác ở hội, việc dạy học, rồi chèo lái cuộc sống gia đình.. đã lấy đi của thầy nhiều thời gian. Cuối cùng, tốt nhất người cầm cọ chỉ nên ngồi ở chỗ của mình để giãi bày thẩm mỹ của mình. Thế thôi. “Nếu không chúng ta sẽ không có đủ thời gian”, thầy nói”. Chính nhắc nhở của danh họa: Việc của họa sỹ là vẽ, nếu ôm đồm nhiều chuyện, quĩ thời gian sẽ cạn đã khiến Phạm Hà Hải suy nghĩ rốt ráo, anh xin nghỉ việc nhà nước, trở về đời họa sỹ tự do./.
No comments