Nhật ký giãn cách: Lá thư gửi từ tâm dịch
Tình yêu của chúng ta đang gặp trở ngại, vì Covid-19. Bao cuộc hẹn, bao dự định cho tương lai cứ lần lượt bị hủy. Anh luôn động viên em cứ giữ vững niềm tin vào tương lai phía trước: dịch bệnh sẽ đi qua và bình an trở lại, chúng ta sẽ đến bên nhau.
Anh là công an, những đợt dịch cứ lan ra mãi, tuyến đầu không thể vắng anh. Những cuộc làm việc xuyên đêm, những tin nhắn của anh cứ thưa dần, thưa dần khi anh vào "trận tuyến".
Đợt vừa rồi em được phân công nhiệm vụ hỗ trợ nhân viên y tế test nhanh Covid-19 trong cộng đồng - nơi tâm dịch ở địa phương. Khỏi phải nói, cả nhà lo sợ em đi vào tâm dịch có thể nhiễm bệnh. Em nhắn tin cho anh, nhận được lời anh động viên: "Em đừng quá áp lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ em nhé!", rồi lại dặn dò: "Họ sẽ trang bị đồ bảo hộ cho mình, nhưng tốt nhất em phải biết tự trang bị đầy đủ chứ không nên trông chờ vào việc cấp phát, bởi lẽ Nhà nước, địa phương còn trăm thứ phải lo, cuộc chiến chống dịch còn dài lắm em à". Nghe lời anh, em yên tâm và chuẩn bị tinh thần thoải mái hơn khi bắt tay vào công việc.
Rồi em ôm... cái máy tính xách tay lên đường "ra trận"! Nhớ lời anh dặn, em cũng chuẩn bị chai nước muối - gừng, cũng đồ bảo hộ trùm kín mít từ đầu đến chân. Anh biết không, em lúng túng từ cách mặc đồ bảo hộ đến lúng túng trong cả mỗi bước đi... Vui nhất là có bạn đoàn viên tình nguyện lần đầu được phát đồ bảo hộ, khi mở bao ra, thấy nhiều món quá, bạn ấy cứ tưởng cái bao chân là cái mũ nên trùm luôn lên đầu và thắc mắc: "Sao nó chật thế?" khiến những nhân viên y tế và những người có mặt lúc đó cười ngặt nghẽo.
Nơi em được phân công đến hỗ trợ test Covid-19 là sân vận động bóng chuyền, có mỗi cái mái che, bốn bề lộng gió, hôm ấy lại mưa. Mỗi lần gió to là thổi bay, xô ngã, đổ rạp hết những hàng ghế nhựa (để cho dân ngồi chờ lấy mẫu), mọi người trong đoàn phải thay phiên nhau nhặt lại ghế, xếp lại khoảng cách 2m.
Tội nhất là các nhân viên y tế, họ làm việc luôn tay và hết công suất. Bữa ăn của họ cũng vội vàng để còn kịp tiến độ công việc. Nhóm em được phân công nhập dữ liệu giúp nhân viên y tế. Ai nấy cũng hết sức căng thẳng vì sợ. Tầm 13 giờ tại điểm xét nghiệm ở khu phố H.H. phát hiện 5 F0, nghe tiếng xe cấp cứu hú còi inh ỏi, mặc mấy lớp áo kín mít mà em vẫn lạnh... toát mồ hôi! Càng tối, dân đến càng đông, mưa và gió liên hồi nhưng ai nấy cũng ngồi lớp lang, giữ khoảng cách và trật tự. Đến 3 giờ sáng thì công việc hoàn thành. Tụi em trở về trường ở tạm chứ không dám về nhà, sợ lỡ mình "vô tình" trở thành F1, lại lây lan cho cả nhà. Về trường em không ngủ được, vội nhắn tin cho ba má và chị hai, báo: "Con vẫn bình an".
Có dấn thân vào công việc, em mới hiểu nỗi vất vả của những người làm ngành y và của cả những người nơi tuyến đầu chống dịch gian khổ như thế nào! Em nhớ mãi lúc chào chị nhân viên y tế để về và chúc chị ngủ ngon, chị ấy bảo: "Sắp sáng rồi, bọn mình chẳng có thời gian ngủ đâu, về trạm là còn bao nhiêu việc, lại chuẩn bị cho sáng mai, cuộc chiến này còn dài lắm, hi vọng là còn đủ sức chiến đấu, chứ bọn mình cả tháng nay làm liên tục, đuối lắm rồi cô ạ". Anh biết không, vậy mà 7 giờ sáng hôm sau em đã thấy các nhân viên y tế ấy đã có mặt tại điểm xét nghiệm, đã tất bật với công việc rồi.
Ngày tiếp theo nhóm em vẫn tiếp tục công việc nhập dữ liệu của mình, vẫn với tâm trạng căng thẳng sợ có F0 như khu phố H.H. hôm qua. Đang chăm chú vào màn hình điện thoại (máy tính xách tay bị trục trặc, chưa tìm kịp máy thay phải nhập bằng điện thoại), thì bỗng nhiên nghe các nhân viên y tế lao xao, đồng thời có tiếng loa vang lên: "Xin bà con vui lòng ngồi đợi thêm ít phút cho y tế nghỉ ngơi một chút, sáng giờ họ mệt lắm rồi!".
Em ngước lên, thấy một chị nhân viên y tế trao đổi gì đó cùng các đồng nghiệp với vẻ căng thẳng và nhanh chóng rời đi. Ai đó xì xào: "Cô y tế vừa rời đi là F0 rồi!". Em mất bình tĩnh bởi lúc sáng em ngồi gần cô ấy nhất. Em nhập dữ liệu vào điện thoại bắt đầu sai sót, các ngón tay không chịu làm theo ý mình, thầy ngồi bên cạnh đọc thông tin cho em nhập phải động viên tinh thần, em mới bớt lo lắng. Chừng 20 phút sau, khi thấy cô ấy quay trở lại, mọi người thở phào nhẹ nhõm.
Trưa đó, nghe tin một lãnh đạo cấp cao về tâm dịch Long Hải, em không biết đi cùng đoàn công tác còn có anh. Ai cũng ngóng ra đường để nhìn. Em cũng vậy, em nhón người nhìn từ xa và bất chợt phát hiện cái dáng người quen thuộc trong màu áo an ninh. Em căng mắt nhìn kĩ. Là anh! Không lẫn vào đâu được!
Anh biết không, em muốn kêu lên thật to hoặc điện thoại cho anh biết là em đang ở đây, người yêu bé nhỏ của anh đang trong màu áo xanh bảo hộ rộng thùng thình và kín mít, đang góp một chút xíu sức mình cho cộng đồng. Nhưng anh ở xa quá, em chỉ kịp há miệng ra rồi ngậm lại sau chiếc khẩu trang y tế, tự nhủ: "Anh đang làm nhiệm vụ, có gọi anh cũng không nghe thấy".
Anh yêu!
Khuya đó anh nhắn tin, bảo anh vừa về đến Thành phố Hồ Chí Minh) từ tâm dịch thị trấn Long Hải. Em định trách anh đi ngang nhà em cũng không báo một tiếng, nhưng chợt nhớ ra công việc của anh phải đảm bảo bí mật, nên thôi. Em cũng không nói là lúc trưa vừa thấy anh, em cũng phải để lại chút bí mật cho riêng mình chứ!
Anh cứ yên tâm mà "đi vào trận chiến" - thành phố lúc này cần có những người như anh. Em đã trải qua những ngày sợ hãi, em cũng đã có thêm một chút kinh nghiệm nên sẽ tiếp tục hỗ trợ địa phương mình chống dịch, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Hi vọng nước ta sẽ nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
Cầu chúc cho anh và mọi người nơi tuyến đầu thật nhiều sức khỏe và bình an. Hẹn ngày chiến thắng Covid-19, chúng ta sẽ gặp nhau!
Chào anh yêu thương!
Em N. T. M. T.
"Em gửi cho anh hình ảnh của một tối hỗ trợ nhập dữ liệu, anh có nhận ra người yêu bé nhỏ của anh không?". (Anh đừng ngạc nhiên vì sao em ngồi khoảng cách lại gần như vậy? Vì buổi tối, dân đến đông không đủ chỗ ngồi, em và thầy đồng nghiệp phải ra ngồi tựa bờ tường cho đỡ gió, phải nhập dữ liệu bằng điện thoại dưới ánh điện mờ ảo nên ngồi xa sẽ không thấy, không thể nghe người bên cạnh đọc gì).
No comments