Thầy giáo của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cùng đồng nghiệp tiết lộ nhiều điều thú vị về "Ranh giới"
"Ranh giới" là bộ phim tài liệu đặc biệt về cuộc chiến khốc liệt của các y bác sĩ trong việc giành sự sống cho các thai phụ mắc Covid-19. Sau khi phát sóng, phim đã nhận về nhiều lời khen và lấy đi nhiều nước mắt từ khán giả.
"Ranh giới" do đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cùng quay phim Viết Phong cùng thực hiện. Hơn 50 phút, với thủ pháp làm phim không lời bình, bộ phim đã cho người xem chứng kiến một cách đầy chân thật về "cuộc chiến" của những y bác sĩ tuyến đầu với "thần chết" để giành lấy sự sống cho không chỉ một mà là hai người cùng lúc.
Đạo diễn - NSND Nguyễn Thước tiết lộ nhiều điều thú vị về người học trò Tạ Quỳnh Tư
Đạo diễn - NSND Nguyễn Thước - thầy giáo của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho biết: "Bản thân tôi đã theo dõi Tư từ những ngày em làm những bộ phim đầu tay vào năm 2012. Khi đó Tư đã có thành công lớn với giải Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc và tôi cũng trong ban giám khảo. Sau đó, Tư cũng vào trường tham gia lớp học đạo diễn chính thức. Từ đó, hai thầy trò đã biết nhau.
Tôi đã theo dõi nhiều bộ phim của em và nhận thấy Tư có nhiều tư chất. Bản thân em đã biết định hình phong cách cho riêng mình. Đặc biệt, phong cách của cá nhân Tư đã được bộc lộ rõ thông qua "Ranh giới". Tất cả các phim của Tư đều thực hiện với hình thức phim tài liệu không lời bình. Đây đã trở thành một thế mạnh của Tư và chính tôi đã từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn với VTV rằng: "Tạ Quỳnh Tư là một hiện tượng phim tài liệu ở VTV".
Theo chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Thước, hình ảnh lắng đọng nhất với người xem chính là những cống hiến đầy thầm lặng của các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những cá nhân hồn nhiên, chủ quan với đại dịch. Qua bộ phim, chúng ta có cảm giác, cách làm của nam đạo diễn như muốn kéo cả người xem đồng hành với các y bác sĩ. Ta có thể cảm nhận được cách làm này toát ra sự căng thẳng như một cuộc chiến với những cảnh quay ngắn và dồn dập trong bệnh viện.
Những chi tiết rất nhỏ được các bạn bắt trọn tạo ra sự chân thực cho bộ phim. Thú vị nữa là tất cả các nhân vật đều mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang nên không thể nhận ra một gương mặt bác sĩ nào nhưng cảm nhận được sự vất vả, khó nhọc và hy sinh của toàn bộ các y bác sĩ. Trường đoạn cuối, Tạ Quỳnh Tư bắt cận cảnh 2 đứa trẻ sơ sinh được đẩy ra ngoài, rồi hai bác sĩ lại phải đi ra chăm sóc là trường đoạn rất cảm động đối với đạo diễn Nguyễn Thước.
Bên cạnh tài năng và phong cách làm việc chuyên nghiệp, một điểm đặc biệt ở đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đó là ở các tác phẩm của mình, cùng quay phim Tư luôn cầm theo máy quay.
Đạo diễn Nguyễn Thước cho biết : "Bản thân Tư có kỹ năng và góc nhìn rất sáng tạo, do đó trong mọi bộ phim của mình, anh đều cầm một máy và thực hiện nhiều góc quay. Với "Ranh giới", gần như mọi cảnh quay đều thực hiện theo chân các y bác sĩ, do đó máy quay luôn trên tay của Tư trong các phân đoạn và tạo ra nhiều góc quay có chiều sâu và lắng đọng để cống hiến một bộ phim xuất sắc cho người xem".
NSƯT Phạm Việt Thanh: Bên cạnh những hình ảnh xúc động đó còn vô vàn điều chưa nói
Đạo diễn Phạm Việt Thanh chia sẻ: "Có lẽ đã có quá nhiều lời khen dành cho Tạ Quỳnh Tư và ê-kíp thực hiện bộ phim "Ranh giới". Ở góc độ nghề nghiệp, tôi cho rằng bản thân Tư và các cộng sự là những chiến binh dũng cảm, bởi lẽ bối cảnh của bộ phim là bệnh viện với nhiều bệnh nhân đang dương tính với Covid-19. Có lẽ nhiều người sẽ phải chùn bước trước tính nguy hiểm của sự việc.
Tuy nhiên, các thành viên của "Ranh giới" đã dũng cảm vượt khó để tạo nên một bộ phim đặc biệt. Bên cạnh đó, tôi cho rằng còn một vài điều đáng tiếc của đoàn phim, bởi lẽ bên cạnh những hình ảnh xúc động đó, có lẽ sẽ còn vô vàn điều chưa nói. Bộ phim đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả, nhưng nếu bộ phim có những nhật kí về thời gian và không gian phòng bệnh, kết hợp thêm với nhưng hình ảnh tạo điểm nhấn như tiếng còi báo động.
Kể cả là cả những cảnh riêng tư của y bác sĩ, hộ sinh như họ ăn như thế nào, ngủ ra sao, họ gọi điện nói với vợ hay chồng con mình ở nhà như thế nào, những cảm xúc lo lắng hay sợ hãi của họ... thì sẽ tạo ra những hiệu ứng mạnh hơn nữa. Nếu là tôi, tôi sẽ thực hiện một cảnh quay có âm thanh những tiếng khóc đồng loạt của nhiều đứa trẻ và các bà mẹ, theo tôi sẽ tạo hiệu ứng rất lớn".
Nhận xét về sự tác nghiệp của đoàn phim, đạo diễn Phạm Việt Thanh cho rằng: "Toàn bộ đoàn phim đã rất thành công trong quá trình ghi hình ở điều kiện chật chội và những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Những hình ảnh mà đoàn phim truyền tải đã cho thấy sự khó khăn, nặng nề của chúng ta trong trận chiến chống dịch".
Nhìn nhận về chi tiết các nhà làm phim không che mặt bệnh nhân đã mất, đạo diễn Phạm Việt Thanh nói rằng, mình đồng tình với cách làm ấy vì đó là thực tế và hằng ngày đã có rất nhiều người "ra đi" như vậy. Đạo diễn Phạm Việt Thanh cũng cho rằng, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã đạt được hiệu quả với cách thức làm phim tài liệu không lời bình và nên trung thành với hình thức đó trong suốt bộ phim chứ không cần thiết phải ghép nhạc vào trong một số đoạn như đã làm.
Đạo diễn Phạm Việt Thanh bày tỏ thêm: "Ranh giới" là một bộ phim hay nhưng Tạ Quỳnh Tư có thể tạo ra một cái kết hay hơn nữa. Việc tạo ra một cái kết buồn về sự ra đi đã tạo ra nhiều tranh luận và ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thông cảm cho ê-kíp do phải làm việc trong điều kiện nhiều thiếu thốn và gấp rút. Việc đưa ra cái kết buồn cũng là lời cảnh tỉnh cho những cá nhân chủ quan, coi thường dịch bệnh.
Cá nhân tôi mong muốn lời kết của bộ phim sẽ là lời chia sẻ trực tiếp và thật lòng từ đạo diễn và những bác sĩ và nhân viên y tế đã trực tiếp sống những ngày tháng này. Bởi thực tế nó đã quá đủ khốc liệt chứ không cần trích dẫn câu văn của nhà văn Nguyễn Khải, điều đó có thể sẽ giúp bộ phim thành công và ấn tượng hơn nữa".
NSND Lý Thái Dũng: Tôi cố kìm cảm xúc nhưng nước mắt cứ tự rơi khi xem "Ranh giới"
NSND Lý Thái Dũng bày tỏ sự biết ơn đối với đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm tranh giành sự sống cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19: "Tôi có cảm giác như mình đang ở trong chính không gian đó. Trong tôi có hai cảm giác đan xen: cảm giác của con người bình thường và cảm giác của người làm nghề. Qua bộ phim tôi thấy được dịch bệnh nó kinh khủng đến nhường nào và tôi tự hỏi bản thân mình: "Nếu rơi vào trường hợp đó thì mình sẽ thế nào".
NSND Lý Thái Dũng tâm sự thêm rằng: "Nhiều lúc tôi cố kìm cảm xúc nhưng nước mắt cứ tự rơi. Với tôi, từ đầu đền cuối phóng sự đều khiến tôi xúc động nhưng đoạn kết khiến tôi ám ảnh hơn cả. Khi có bác sĩ phát hiện mình bị nhiễm Covid-19 phải cách ly và điều trị bệnh, chị bác sĩ đó có nói: "Điều mà tôi lo lắng, tiếc nuối nhất là mình không phục vụ được bệnh nhân và đồng nghiệp của tôi vất vả hơn".
Tôi nghĩ không chỉ tôi mà tất cả ai xem bộ phim tài liệu này đều cảm động và cay khóe mắt. Những người bác sĩ luôn đứng giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết. Nhưng họ gạt bỏ hết tất cả, chung tay vì cộng đồng. Các y bác sĩ đã dùng gấp đôi, gấp ba phần trăm sức lực thật của mình. Hành động đó xuất phát từ tình yêu thương con người, lòng trắc ẩn và đạo đức nghề nghiệp".
Với phương pháp làm phim không lời bình, ê-kíp sản xuất như đưa người xem trực tiếp đến "hiện trường", khu K1 Bệnh viện Hùng Vương với màu trắng toát của giường bệnh và những bộ đồ bảo hộ của các y bác sĩ khoa Sản nhi. Được biết, tính từ 30/5/2021đến 1/9/2021, khu K1 Bệnh viện Hùng Vương đã tiếp nhận 861 sản phụ F0.
NSND Lý Thái Dũng cho biết: "Đó là tình trạng chung của những bệnh nhân. Chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân, khi phải dùng oxy để hỗ trở việc thở thì cảm giác rất khó chịu.
Thậm chí, có những người họ nói bản thân họ đã nhìn thấy cái chết. Nếu như thời điểm đó không có sự hỗ trợ, động viên của bác sĩ có thể họ sẽ bỏ cuộc. Những bác sĩ đã kéo họ lại từ tay tử thần, họ không cho phép mình buông tay bệnh nhân ở bất kì hoàn cảnh nào".
NSND Lý Thái Dũng xin được kết bằng dòng cảm xúc sau khi xem phóng sự: "Tôi gửi lời biết ơn và khâm phục tới đội ngũ y bác sĩ. Chúc mọi người thật khỏe mạnh, an toàn và giữ được tinh thần tích cực".
Sau khi phát sóng và tạo ra cơn sốt vào tối ngày 8/9, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư được khán giả quan tâm và biết đến đến nhiều hơn. Tạ Quỳnh Tư sinh ra ở nông thôn, trong một gia đình nghèo, cuộc sống lam lũ và vất vả từ bé. Anh tốt nghiệp khóa quay phim của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội rồi về VTV từ năm 2005. Anh từng cầm máy quay rong ruổi cùng chương trình Vì người nghèo, Hộp thư truyền hình hay Nối vòng tay lớn.
No comments