Nhà văn Lê Phương Liên: “Niềm vui và sự yêu đời của Xuân Quỳnh luôn tỏa ra từ trong ánh mắt”
Người viết gặp nhà văn Lê Phương Liên – cựu Biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng trong buổi họp báo chính thức về đêm thơ - nhạc - kịch Hoa cúc xanh vào sáng 28/9 tại Hà Nội.
Trong suốt buổi họp báo, tác giả "Én nhỏ" chăm chú theo dõi những chia sẻ đầy xúc động, tâm huyết của Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, Tổng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, NSƯT Trần Lực, NSƯT Đỗ Kỷ, nhạc sĩ Giáng Son…
Trò chuyện với PV Dân Việt, nụ cười hiền hậu luôn nở trên môi nhà văn Lê Phương Liên khi bà nhắc đến vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cùng con trai Lưu Quỳnh Thơ (bé Mí). Đặc biệt, đôi mắt bà lấp lánh niềm hạnh phúc, xúc động đan xen khi nói về những kỷ niệm đẹp còn đọng lại mãi nơi bà về tác giả bài thơ Thuyền và biển.
"Tôi ấn tượng nhất với ánh mắt và nụ cười của nhà thơ Xuân Quỳnh"
Nhà văn Lê Phương Liên được biết và gặp gỡ lần đầu tiên nhà thơ Xuân Quỳnh cụ thể là khi nào?
- Xuân Quỳnh là một trong những nữ nhà thơ có tác phẩm thơ về tình yêu mà từ thời thiếu nữ tôi đã rất yêu thích như bài thơ Thuyền và biển. Tôi được nghe bài thơ này do một người bạn nữ đọc trong khung cảnh một đêm trăng. Thời điểm đó, tôi chưa hề biết yêu đương là gì và chưa có điều kiện gặp trực tiếp chị Xuân Quỳnh. Bài thơ Thuyền và biển như lời thức tỉnh đầu tiên trong tôi về tình yêu nam nữ.
Đọc bài thơ khơi gợi cho tôi cái đẹp của tình yêu với người phụ nữ vốn rất rụt rè, nhất là ở tuổi mới lớn. Thơ tình của chị Xuân Quỳnh như giúp người phụ nữ có dịp trải lòng, khát khao, không hề sợ hãi mà mạnh dạn để bước vào tình cảm ở lứa đôi.
Chỉ khi tôi trở thành một người viết văn vào khoảng năm 1971, tôi có tác phẩm ở Nhà xuất bản Kim Đồng và được giới thiệu tham gia Hội nghị viết văn trẻ lần thứ II của Hội Nhà văn Việt Nam thì tôi mới được gặp chị Xuân Quỳnh lần đầu tiên.
Cảm nhận của bà trong lần đầu tiên gặp nhà thơ Xuân Quỳnh thế nào?
- Tôi cảm nhận chị Xuân Quỳnh là người phụ nữ đẹp nhất trong những nhà văn, nhà thơ có mặt tại sự kiện đó. Lúc ấy, chị Xuân Quỳnh chưa kết hôn với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Tôi được gặp chị và nói chuyện với chị chỉ đôi câu, bởi chị Xuân Quỳnh có rất nhiều người hâm mộ, đặc biệt là các nhà thơ nam giới.
Tôi kém chị Xuân Quỳnh 9 tuổi nên cả hai cũng có khoảng cách về tuổi tác. Tôi cũng không theo con đường làm thơ mà tôi viết văn xuôi. Đến khi tôi trở thành biên tập viên, công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng thì từ thời điểm này tôi mới thực sự được gặp gỡ, làm việc với chị Xuân Quỳnh nhiều hơn.
Có điều gì khiến bà luôn ghi nhớ, ấn tượng với nhà thơ Xuân Quỳnh cũng như các thành viên trong gia đình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ?
- Tôi nhớ mãi về những buổi gặp gỡ cộng tác viên của Nhà xuất bản Kim Đồng, chị Xuân Quỳnh luôn dắt con theo. Hình ảnh hai mẹ con chị Xuân Quỳnh vui vẻ khi cùng đến tham dự, cùng ăn một suất ăn (có khi chỉ là một bát phở) khiến tôi cảm thấy rất cảm động, yêu quý.
Đặc biệt, ấn tượng trong tôi về cháu Mí là một cậu bé đẹp như "tiên đồng", tài năng sớm bộc phát, hứa hẹn tương lai đầy triển vọng.
Khoảng năm 1985 - 1987, tôi nhớ cháu Mí có tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ văn học cho thiếu nhi tại Cung Thiếu nhi Hà Nội - nơi tôi cùng với nhà thơ Phạm Hổ, nhà thơ Định Hải hướng dẫn sáng tác văn thơ cho các em thiếu nhi. Thời điểm đó, những sáng tác của Mí được nhà thơ Phạm Hổ biểu dương và luôn ở top bài hay nhất.
Tôi ấn tượng với Mí vì cháu không những có khả năng về văn học mà còn có năng khiếu hội họa. Tôi nhớ, khi xuất bản tập thơ Bầu trời trong quả trứng, Nhà xuất bản Kim Đồng năm 1982, chị Xuân Quỳnh đã đề nghị cho cháu Mí vẽ bìa và minh họa toàn bộ tập thơ của mẹ.
Thời điểm đó, Nhà xuất bản Kim Đồng đã rất "bạo dạn" đồng ý thực hiện theo yêu cầu của chị Xuân Quỳnh. Đây cũng là quyết định "phá cách", trường hợp đầu tiên cho phép một cây cọ thiếu nhi (cháu Mí - Quỳnh Thơ) vẽ bìa và minh họa cho tập thơ của mẹ (nhà thơ Xuân Quỳnh). Bìa Quỳnh Thơ làm rất đẹp với hình ảnh chú gà con màu vàng thò đầu lên khỏi vỏ trứng. Quả thực bìa sách ấy đã điểm tô và nâng tầm rất nhiều cho tập thơ. Sau đó, tập thơ Bầu trời trong quả trứng của chị Xuân Quỳnh được Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982-1983.
Đó là những kỷ niệm tôi trân trọng, yêu quý và luôn lưu giữ hình ảnh đẹp về chị Xuân Quỳnh và các con của chị, nhất là với cháu Lưu Quỳnh Thơ.
Ngoài bài thơ Thuyền và biển, bà yêu thích những tác phẩm nào khác của nhà thơ Xuân Quỳnh?
- Trong những bài viết, truyện ngắn của chị Xuân Quỳnh, tôi xúc động khi đọc truyện ngắn Bến tàu trong thành phố thể hiện tình cảm anh em trong gia đình đầm ấm, sum vầy dù ở thời điểm rất khó khăn, đói khổ phải chia nhau từng chút mì, miếng cơm... Hay truyện Cá chuối con với hình ảnh con cá chuối mẹ chấp nhận nhảy lên bờ, chịu đựng đau đớn vì những con kiến bâu và lăn xuống nước để những con kiến ấy làm mồi cho các con của mình. Những câu chuyện đó khiến tôi rất cảm động. Tôi cảm thấy tác phẩm của chị gắn bó, gần gũi với cuộc sống đời thường.
Tôi đặc biệt quan tâm tới những bài thơ chị Xuân Quỳnh viết cho thiếu nhi. Vì bản thân tôi làm về lĩnh vực văn học thiếu nhi. Những bài thơ như: Bầu trời trong quả trứng, Con yêu mẹ… là những sáng tác thơ thiếu nhi đặc sắc, đóng góp riêng của chị Xuân Quỳnh bên cạnh những nhà thơ thiếu nhi gạo cội như: Võ Quảng, Phạm Hổ, Định Hải… Mặc dù chị Xuân Quỳnh viết thơ cho con của chị nhưng đã thành tác phẩm thơ chung cho rất nhiều em nhỏ.
Sắp tới, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt tuyển tập Trời xanh của mỗi người nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh chị Xuân Quỳnh (6/10/1942- 6/10/2022). Đây là tuyển tập gồm những tác phẩm đặc sắc nhất viết cho thiếu nhi của chị được gắn với những bức tranh rất đẹp mà tôi rất ấn tượng.
Khi được làm việc, trò chuyện trực tiếp với nhà thơ Xuân Quỳnh, có điều gì khiến bà trân trọng, ấn tượng?
- Tôi cũng nghe mọi người truyền tai nhau rằng, Xuân Quỳnh rất đẹp. Và khi được gặp chị ngoài đời, tôi thấy chị đẹp hơn cả trong tưởng tượng của tôi về chị. Chị thực sự rất đẹp!
Chị Xuân Quỳnh là một người phụ nữ vui tính, nói chuyện có duyên khiến người đối diện phải "cười lăn cười bò". Trong thơ, người đọc cảm nhận có lúc chị Xuân Quỳnh thể hiện nỗi buồn, trăn trở. Tuy nhiên, trong cuộc sống chị Xuân Quỳnh là một người rất vui vẻ, hài hước, thú vị, thẳng thắn.
Tôi ấn tượng nhất với ánh mặt và nụ cười của chị Xuân Quỳnh. Niềm vui và sự yêu đời nơi chị tỏa ra từ trong ánh mắt. Chị luôn dành cho người đối diện tình cảm yêu thương, ánh mắt biết cười và sự trân trọng.
Vợ chồng Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ có tình cảm cao đẹp lãng mạn như hình tượng Hoa cúc xanh
Yêu quý gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh, vậy cảm xúc của bà thế nào khi biết tin buồn về vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ cùng con trai Lưu Quỳnh Thơ?
- Đó là một buổi sáng như mọi ngày, tôi đến Nhà xuất bản Kim Đồng làm việc, cùng các đồng nghiệp ngồi uống trà trước khi bắt đầu vào làm việc. Bỗng nhiên nhà thơ Định Hải chạy từ ngoài cửa vào thông báo đột ngột là chị Xuân Quỳnh, anh Lưu Quang Vũ và cháu Quỳnh Thơ qua đời vì tai nạn giao thông. Đau thương bao trùm tất cả Nhà xuất bản Kim Đồng lúc đó. Bởi anh Lưu Quang Vũ, chị Xuân Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ đều là những người quen biết thân thiết với Nhà xuất bản Kim Đồng. Nhất là anh Lưu Quang Vũ, chị Xuân Quỳnh đang là những tài năng nở rộ, cháu Quỳnh Thơ là một tài năng đầy hứa hẹn trong tương lai. Sự ra đi đột ngột của họ khiến mọi người xót xa vô cùng.
Tôi nghĩ đám tang vợ chồng Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ và cháu Quỳnh Thơ là đám tang chưa từng có ở Hà Nội. Và tôi cũng không bao giờ muốn có một sự việc tương tự như thế lặp lại trên đất nước này nữa. Ba chiếc xe tang đi nối nhau với số người đưa tang đi chật đường Phố Huế (Hà Nội)… Đó là những hình ảnh luôn luôn ghi đậm trong ký ức của tôi.
Ở tuổi ngoài 70 và khi đã trải qua những thăng trầm của cuộc đời, đọc lại tác phẩm của nhà thơ Xuân Quỳnh, đặc biệt là bài thơ Thuyền và biển có đem đến cho nhà thơ Lê Phương Liên cảm xúc khác biệt so với thời thiếu nữ?
- Những tác phẩm của chị Xuân Quỳnh có giá trị lâu bền cho đến ngày hôm nay và mai sau. Với tôi, Thuyền và biển vẫn là một bài thơ hay vĩnh cửu. Tôi nhận thấy có những thời điểm tôi sống và có tâm trạng đúng như câu: "Nếu phải cách anh/ Em chỉ còn bão tố". Tôi thấm thía điều đó với tâm trạng, hoàn cảnh như vậy.
Hiện tại, bản thân tạm coi là một người an nhiên với cuộc sống gia đình yên ấm, con cháu đề huề… Vậy mà mỗi khi đọc lại bài thơ Thuyền và biển của chị Xuân Quỳnh, tôi như được trở về với những cảm xúc mãnh liệt, khao khát, háo hức và con tim lại bừng lên một ngọn lửa ấm, ngọn lửa sáng. Ngọn lửa ấy không chỉ đơn giản là tình yêu lứa đôi.
Với đêm thơ - nhạc - kịch Hoa cúc xanh diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 5 và 6/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của nhà thơ Xuân Quỳnh, bà có mong chờ điều gì?
- Khi được tham dự sự kiện nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh chị Xuân Quỳnh trong đó có đêm thơ – nhạc – kịch Hoa cúc xanh khiến tôi vô cùng xúc động, hạnh phúc.
Tôi mong muốn tinh cảm của những con người như vợ chồng Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ được lan tỏa đến mọi người.
Chị Xuân Quỳnh là người phụ nữ tràn đầy tình yêu thương với đứa con mình sinh ra và con riêng của chồng. Tôi nghĩ ngoài tình yêu thương, nơi chị còn có tấm lòng nhân hậu trên mức bình thường dù chị là một người phụ nữ giản dị, tận tụy như bao người phụ nữ khác. Vợ chồng Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ đã sống và sáng tác trong cảnh ngộ thiếu thốn vật chất nhưng đôi thi nhân ấy rất giàu có tình cảm cao đẹp lãng mạn như hình tượng Hoa cúc xanh.
Tôi nghĩ rằng, cuộc sống ngày nay khi chúng ta đầy đủ về mặt vật chất nhưng có lẽ chúng ta còn đang thiếu thốn niềm vui, niềm tin thánh thiện và lãng mạn như thế hệ đi trước. Tôi mong rằng, đời sống của con người bên cạnh việc theo đuổi vật chất (càng ngày càng tăng) vẫn cần có sự khao khát vẻ đẹp lãng mạn, lý tưởng tồn tại trong đời sống tinh thần con người hôm nay.
Cảm ơn những chia sẻ của bà!
Trailer đêm thơ - nhạc - kịch "Hoa cúc xanh". (Nguồn: Truyền hình Dân Việt)
No comments