Ca khúc gây xôn xao của tlinh và Coldzy: "Sao có thể tả chuyện giường chiếu lộ liễu và trần trụi như vậy?"
Vừa qua, rapper Coldzy đã đăng tải sản phẩm âm nhạc mới có tên Fever trên nền tảng YouTube. Ca khúc được thể hiện bởi anh và nữ rapper/ca sĩ tlinh, nằm trong album Medicine. Tính tới ngày 24/6, bản audio hiện đạt hơn 875.000 lượt nghe, thu về hơn 1000 lượt bình luận.
Bên cạnh một vài ý kiến hưởng ứng, ca khúc bị đa số khán giả chỉ trích vì ca từ phản cảm, dung tục, không dán nhãn 18+. Không ít ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc và gỡ bỏ sản phẩm này, tránh gây ảnh hưởng tới lớp trẻ.
Mới đây, Tiến sĩ Hồ Lâm Giang (chuyên gia về tâm lý, giáo dục, tác giả cuốn sách Diễn ngôn về giới trên truyền thông) đã có những chia sẻ với Dân Việt về ca khúc này. Nguyên văn ý kiến của chị như sau:
"Là một người nghiên cứu về văn hoá và ảnh hưởng của văn hoá tới nhận thức của con người, đặc biệt là giới trẻ, tôi thực sự quan ngại trước ca khúc mới của Coldzy và tlinh mang tên Fever.
Tôi luôn đồng ý rằng người nghệ sĩ được tự do sáng tạo nghệ thuật, được thể hiện quan điểm của bản thân trong tác phẩm của mình, nhưng khi sản phẩm đưa ra công chúng, có nguy cơ ảnh hưởng tới thế hệ trẻ, bản thân nghệ sĩ cần có sự kiểm soát, đồng thời cũng cần sự giám sát quản lý của xã hội. Có thể, trong nhận thức và thế giới quan của bạn là bình thường (vì bạn đang có sự chủ quan nhất định trong việc nhìn nhận vấn đề), nhưng như vậy không có nghĩa là bạn có quyền vô tư phạm lỗi.
Việc điều chỉnh từ phía Coldzy trong việc cảnh báo độ tuổi xem video dành cho lứa tuổi 18+ (thời điểm tôi xem là thấy dòng cập nhật này là 10h ngày 24/6/2024) là cần thiết. Tuy vậy, chúng ta cần nhiều biện pháp hơn thế để tránh việc những văn hoá phẩm không phù hợp với lứa tuổi, không phù hợp văn hoá Việt Nam phát hành tràn lan, ảnh hưởng tới nhận thức của giới trẻ như vậy.
Nhìn nhận về ca khúc Fever, tôi có một số ý kiến chủ quan như sau:
Trước hết, xét về khía cạnh ngôn từ trên văn bản, chúng ta dễ dàng nhận thấy yếu tố "gợi dục", "tình yêu xác thịt" được mô tả rất tự nhiên, vô tư và có phần trần trụi. Cụ thể những câu từ như: "Áo hai dây buông lên sofa/ Toàn thân ta tăng nhiệt độ/ Ướt át lúc đi vô/ Đôi tay lả lơi khám phá khắp nơi…" Còn rất nhiều từ ngữ mà tôi không tiện kể ra tại đây, vì chúng quá dung tục. Cho dù tác giả có biện minh, giải thích thế nào thì ngôn từ vẫn mang ý nghĩa. Nếu anh viết những ngôn từ không phù hợp thì là anh viết sai, nếu anh viết không rõ ý, thiếu sự trong sáng để hầu hết người xem hiểu theo hướng không lành mạnh, thì đó vẫn là điều khó có thể chấp nhận. Nhìn tổng thể về khía cạnh ngôn từ của tác phẩm, nhẹ thì có thể đánh giá rằng ca khúc không phù hợp với tư cách là ấn phẩm được truyền thông đại chúng, nặng thì có thể coi đây là một văn hoá phẩm độc hại với giới trẻ - đối tượng chính đang theo dõi và ủng hộ hai nghệ sĩ Coldzy và Tlinh.
Thứ hai, ý kiến của đông đảo công chúng khi tiếp nhận tác phẩm này nói lên rất nhiều vấn đề trong nhận thức về tình yêu. Đối với những người ở lứa tuổi phụ huynh, được sinh ra và lớn lên trong môi trường chưa có sự ảnh hưởng mạnh mẽ của hội nhập, toàn cầu hoá, việc công khai tình yêu kiểu giường chiếu, đặc biệt là mô tả một cách đầy tính "gợi dục" đương nhiên là chuyện khó có thể chấp nhận với họ. Trong văn hoá Việt Nam, tình dục vốn được coi là chuyện "dễ đùa, khó nói", sao có thể công khai một cách lộ liễu như vậy?
Giới trẻ và những người đi trước họ có một khoảng cách rất lớn về tri thức hệ. Cũng bởi vậy, có những quan điểm của giới trẻ, mới tới mức mà những người lớn khó có thể chấp nhận. Tuy nhiên, với tác phẩm Fever, loạt ý kiến chỉ trích của chính gen Z về việc nó quá dung tục, không phù hợp, cho thấy đây không còn là vấn đề về sự khác nhau của tư tưởng thế hệ mới và cũ. Sự từ chối này thể hiện tác phẩm không phù hợp về mặt văn hoá, ảnh hưởng xấu và lệch lạc tới con người. Thậm chí, nhiều chuyên gia xếp tác phẩm âm nhạc này là một loại văn hoá phẩm độc hại - cũng hoàn toàn có lý do của nó.
Thứ 3, vì có một số năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, tôi nhìn ra vấn đề về sự lúng túng của phụ huynh ngày nay khi không biết nên giáo dục giới tính cho con ra sao. Đối với thế hệ trước, đây là vấn đề cực kỳ tế nhị. Thế nhưng, với thế hệ gen Z hiện nay, quan niệm về giới tính nói riêng và chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân đã có nhiều sự thay đổi. Phần nhiều sự thay đổi này, tới từ quá trình toàn cầu hoá về văn hóa, từ các tài liệu đầy rẫy trên mạng internet, đến phim ảnh, âm nhạc, mỹ thuật… Tư tưởng và lối sống của giới trẻ ngày nay cởi mở hơn, họ cũng có những chuẩn mực khác về vấn đề tình yêu và tình dục trước hôn nhân.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là cùng với những tư tưởng "cởi mở", nhiều người trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh (vốn đang phát triển chưa đồng đều, nhiều khi có sự phiến diện, nông nổi trong nhìn nhận vấn đề) lại đang có xu thể "rời bỏ" các khía cạnh tốt đẹp của văn hoá truyền thống. Với những tác phẩm âm nhạc như thế này, các em rất dễ đồng hoá tình yêu với tình dục. Hàng loạt vấn đề đau lòng điển hình như việc học sinh có bầu trên ghế nhà trường chính là một trong các hệ luỵ đáng buồn của sự lệch lạc trong nhận thức, ứng xử về tình yêu và tình dục.
Những tác phẩm như Fever càng cần được kiểm soát, vì nhiều bạn trẻ đang độ tuổi thần tượng, thần thánh hoá các nghệ sĩ, cho rằng họ là hình tượng mẫu mực, sẵn sàng học theo phong cách ăn mặc, ăn nói, tư tưởng của thần tượng. Thiết nghĩ, người nghệ sĩ nói riêng và những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội nói chung cần có ý thức về sự ảnh hưởng của mình để liên tục hoàn thiện bản thân, hướng con người tới cái đẹp, đến giá trị nhân văn. Cũng cần lường trước những hệ luỵ xảy ra, để có thể tiết chế cho tác phẩm của mình.
Các nghệ sĩ trẻ như Coldzy, tlinh đều rất giỏi và đã được công nhận. Những vấp váp này là cần thiết để họ có thể nhận ra điểm mình cần hoàn thiện, có một hướng đi đúng. Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận những lỗi sai, nhưng cũng nên cho họ cơ hội để khắc phục, sửa sai và đồng thời là thời gian để họ trưởng thành".
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng: "Ca khúc Fever chứa những câu từ mô tả sex một cách thô bạo, biểu hiện cách sống gấp gáp, bản năng, không thể hiện tình yêu đôi lứa. Những tác phẩm như vậy cần bị cấm phát hành, tránh ảnh hưởng tới tâm lý giới trẻ”.
Trong khi đó, trao đổi với PV Dân Việt, người phát ngôn của Bộ VHTTDL cho biết đã nắm được sự việc và sẽ thông tin để cơ quan chức năng kiểm tra sản phẩm âm nhạc này.
No comments