Hàng loạt vi phạm trong quản lý tiền công đức, làm thế nào để ngăn chặn?
Quản lý tiền công đức tại các di tích vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số tiền công đức thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo), trong đó, số thu tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng 3.062 tỷ đồng, chiếm 75%; số thu tại các di tích là cơ sở tôn giáo 1.038 tỷ đồng, chiếm 25%.
Có 7 di tích thu trên 25 tỷ đồng gồm: Miếu Bà Chúa Xứ - An Giang (220 tỷ), Đền Bảo Hà - Lào Cai (71 tỷ), Khu DTLS Nhà tù Côn Đảo ở Bà Rịa-Vũng Tàu (34 tỷ), Đền Sòng Sơn - Thanh Hóa (28 tỷ), Đền Hùng - Phú Thọ (26 tỷ), Đình La Khê ở - Hà Nội (28 tỷ) và Đền trình Ngũ Nhạc (chùa Hương) – Hà Nội (33 tỷ).
Có 7 tỉnh/thành phố thu trên 200 tỷ đồng tại các cơ sở tôn giáo gồm: Hà Nội (672 tỷ), Hải Dương (278 tỷ), An Giang (277 tỷ), Bắc Ninh (269 tỷ), Hưng Yên (242 tỷ), Nam Định (215 tỷ).
Bộ Tài chính cho biết, đa số báo cáo của địa phương đều nhận định số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ.
Tại các di tích là cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31% tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo.
Theo quy định tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC, các khoản tiền đặt ở đĩa, khay tại các di tích là đền, chùa được thu gom để kiểm đếm và sử dụng chung cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và lễ hội; trong đó có chi thù lao cho người trông coi, bảo vệ di tích và chi mua hương, hoa, lễ vật, đèn nhang tại di tích. Tuy nhiên, việc thực hiện tại những di tích chưa lắp camera có bảo đảm minh bạch hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác của người đại diện di tích.
Việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại không ít di tích chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro, để thất thoát, trộm cắp. Cụ thể, một số di tích giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm, cho các cá nhân vay, đã có trường hợp bị lừa nhiều tỷ đồng. Một số di tích có thói quen giữ tiền mặt mà không gửi vào tài khoản bị kẻ gian lấy trộm; nhiều di tích tiếp nhận tiền trong hòm công đức chưa kịp thời bị kẻ gian cạy phá hòm lấy tiền. Cá biệt, có trường hợp nhân viên Ban quản lý di tích lấy trộm tiền công đức bị nhiều người phát hiện, số tiền không nhiều nhưng hành vi trộm cắp tiền công đức đã để lại ấn tượng không tốt với du khách thập phương.
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, lượng tiền công đức tại các cơ sở tôn giáo và tín ngưỡng chắc chắn không chỉ dừng ở con số 4.100 tỷ đồng. Hiện nay, việc quản lý, giám sát tiền công đức tại các di tích đều đang rất lỏng lẻo, chưa có sự giám sát chặt chẽ. Vậy phải làm sao để tránh thất thoát nguồn ngân sách này?
Sớm hoàn thiện cơ chế quản lý tiền công đức
Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính nhận định, con số 4.100 tỷ đồng tiền công đức thu được từ các cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo trong năm 2023 là tín hiệu đáng mừng. Đây là một bước tiến trong việc hoàn thiện dần cơ chế quản lý tiền công đức. Từ đó, Bộ Tài chính, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cơ quan có liên quan sẽ nghiên cứu các chính sách, giải pháp… phù hợp để quản lý nguồn tiền công đức tại các di tích hiệu quả hơn.
"Tôi cho rằng, trước mắt mình cứ quản lý những cái gì có thể quản lý được đã rồi dần dần mình hoàn thiện cơ chế, chính sách và tìm giải pháp", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc quản lý tiền công đức tại các di tích là việc làm rất khó. Vì di tích có cả cơ sở tín ngưỡng và cơ sở thờ tự. Nhiều di tích, du khách thập phương đến cúng dường trực tiếp cho người trụ trì, cho thủ từ, thủ nhang… thì không thể nào nắm được.
Chính vì thế, việc kiểm đếm, xem xét, ghi chép nguồn tiền công đức của các ban phục vụ, ban quản lý tại di tích là rất quan trọng. Phải có các ban/tổ kiểm tra, kiểm đếm số tiền công đức hàng tháng, hàng quý... Đặc biệt, việc người dân và du khách thập phương công đức trực tiếp phải được ghi vào giấy công đức, giấy công đức lúc này như một "hóa đơn" có đánh số, việc này giúp cho việc kiểm đếm hiệu quả hơn. Vì đa số các khoản tiền công đức ghi giấy công đức đều có mệnh giá lớn. Từ đó cũng dễ cho việc quản lý.
"Tôi cho rằng, việc lập tổ kiểm tra tại các di tích chỉ có thể áp dụng đối với các di tích có quy mô lớn, nhiều người đến lễ bái hoặc tổ chức lễ hội lớn hàng năm. Còn với các di tích nhỏ, ít người tới và quy mô lễ hội hàng năm không lớn thì cũng không cần thiết phải có một ban như thế, bởi như thế sẽ lãng phí. Việc đó phải được phân hạng rất rõ ràng để quản lý cho phù hợp.
Việc quản lý cứ tiến hành từng bước một. Trước mắt cứ nắm được nguồn tiền công đức tại các di tích, các tỉnh/thành phố, sau đó chúng ta sẽ siết chặt dần. Từng bước một để hoàn thiện dần cơ chế, chính sách quản lý nguồn tiền công đức".
PGS.TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ với Dân Việt rằng, cơ chế quản lý tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo ở các tỉnh/thành phố hiện nay vẫn còn lỏng lẻo, thiếu thống nhất, mỗi nơi có cách quản lý khác nhau. Hệ lụy là nhiều nơi trục lợi tiền công đức, sử dụng vào những việc cá nhân khiến dư luận bát bình, phản ứng.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, ngoài quản lý đầu vào bằng công khai, kê khai, thì phải quản lý cả đầu ra của tiền công đức. Các khoản tiền công đức, đóng góp thường được các cơ sở thờ tự, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng vào 5 mục đích chính như: nuôi bộ máy hành chính; tôn tạo, nâng cấp di tích; mua trang thiết bị, vật tư, đồ tế lễ; tổ chức lễ hội truyền thống và đóng góp cho các hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, có thể giám sát được các khoản chi này rất cần phải có một cơ quan giám sát đồng bộ của các cơ quan chức năng, chính quyền, cộng đồng. Chính những người dân ở địa phương là những "thanh tra viên" khách quan, minh bạch và chính xác nhất. Người dân có quyền giám sát thu chi, phản ánh nếu có tiêu cực để tránh việc biển thủ, trục lợi cá nhân.
Phía Bộ Tài chính cũng khuyến nghị rằng, để việc công đức cho các di tích được trọn vẹn ý nghĩa, phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, khi trao tiền công đức, du khách thập phương và người dân tài trợ hãy trao trực tiếp cho người đại diện di tích tại bàn ghi công đức, đặt vào hòm công đức hoặc chuyển vào tài khoản của cơ sở di tích. Không đặt tiền lên ban thờ, trên mâm lễ, không gài tiền vào tay tượng, giá chuông, khe cửa… vì như vậy sẽ làm mất đi nét đẹp vốn có của hoạt động công đức, tài trợ.
Với người đại diện hoặc ban quản lý di tích thì nên mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch. Công đức là dựa vào niềm tin. Tổ chức, cá nhân tự nguyện công đức, tài trợ có thể không quan tâm tới mục đích sử dụng, nhưng người tiếp nhận và sử dụng số tiền đó cần phải công khai, minh bạch. Sự công khai, minh bạch sẽ làm cho niềm tin đó được bền vững, nguồn tài chính đóng góp cho di tích sẽ tốt hơn.
Trường hợp chưa mở tài khoản tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước thì cần thực hiện ngay để bảo đảm việc quản lý an toàn. Hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt đang trở nên thông dụng nên việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản là bình thường, vừa văn minh vừa dễ dàng kiểm soát, không cản trở hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.
- Quản lý chặt chẽ các khoản tiền đã tiếp nhận, bao gồm tiền trong hòm công đức; đối với tiền mặt tạm thời chưa sử dụng cần gửi kịp thời vào tài khoản để bảo đảm việc quản lý an toàn, hạn chế thiệt hại do hành vi trộm cắp. Trường hợp ban quản lý di tích đang giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm hoặc cho vay cần thực hiện thu hồi ngay để quản lý theo tài khoản của ban quản lý.
Không đặt đĩa, đặt khay nơi thờ tự cho mục đích tiếp nhận tiền công đức, tài trợ và các khoản tiền có tính chất tương tự. Lắp camera giám sát tại các điểm tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức, tài trợ.
Đối với cơ quan chức năng nhà nước, phải tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch nhằm loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Đối với các địa phương chưa ban hành văn bản quy định về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC cần khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành để thống nhất thực hiện tại địa phương.
No comments