Nhà báo Hồ Quang Lợi và hành trình hơn 30 năm đi tìm "người trên đường đời" - Học Cắt Tóc Tại Hà Nội

Breaking News

Nhà báo Hồ Quang Lợi và hành trình hơn 30 năm đi tìm "người trên đường đời"

Mỗi chúng ta đều có một hành trình khác nhau trong cuộc đời. Tại đó, các cuộc gặp gỡ tạo nên ký ức, cảm xúc và trải nghiệm.

Nếu coi những trải nghiệm ấy là gia tài của cuộc sống thì chắc hẳn Hồ Quang Lợi đã có một cuộc đời giàu có. Trong 30 năm qua, ở vị thế của một nhà báo viết bình luận xuất sắc, anh đi nhiều, gặp nhiều, trải qua loạt cung bậc cảm xúc vừa hiện thực tới khốc liệt, vừa đẹp đẽ và thi vị.

Nhà báo Hồ Quang Lợi và hành trình hơn 30 năm đi tìm "người trên đường đời"- Ảnh 1.

Bìa cuốn sách "Người trên đường đời" của nhà báo Hồ Quang Lợi. (Ảnh: NXB)

Người trên đường đời - cuốn sách mới nhất của nhà báo Hồ Quang Lợi. Tác phẩm gồm 50 bài viết, được chia thành 4 chương, bao gồm 4 chủ đề lớn: Người giữa phong ba; Phẩm cách; Chở bao nhiêu đạo; Ánh sáng của lương tri. Hồ Quang Lợi nói đây là lần đầu tiên anh xuất bản thể loại ký chân dung, sau 13 cuốn sách gồm các bài viết bình luận, nhận định trước đó.

Trong vai trò người kể chuyện, Hồ Quang Lợi đưa người đọc tới nhiều vùng ký ức của anh, thông qua từ những gặp gỡ xảy ra từ năm 1994 tới hiện tại. Ở đó, gỡ bỏ phần nào vẻ "nghiêm túc" của một nhà báo chính luận, anh thoải mái thể hiện cảm xúc của mình phía sau các tác phẩm báo chí nổi tiếng, với tình yêu thương, nỗi xót xa, sự kính trọng dành cho từng nhân vật.

Nhà báo Hồ Quang Lợi và hành trình hơn 30 năm đi tìm "người trên đường đời"- Ảnh 2.

Nhà báo Hồ Quang Lợi trong một lần được làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: NVCC)

Đó có thể là giọt nước mắt đau đớn của tác giả khi 20 năm gặp lại người đánh tàu Maddox của Mỹ năm 1964, nhận thấy nhân vật của mình vất vả, nghèo khổ: "Chúng tôi bước vào căn nhà mái bằng. Lại sững sờ: Bác Giản đây ư? Con người hoạt bát, lạc quan, tràn đầy sinh lực mà tôi gặp 20 năm trước đâu rồi? Trước mắt tôi là một cụ già, run lẩy bẩy, thấy tôi vào, cố đứng lên nhưng không thể. Nhận ra tôi, bác choàng tay ôm chặt, rồi khóc nức nở. Đôi vai gầy rung lên bần bật. Nỗi xúc động dâng trào. Nước mắt tôi trào ra…" (bài Người về từ trận đánh tàu Maddox). Đó cũng là khoảnh khắc bàng hoàng khi trở về nhà vào năm 1979, biết tin em trai ruột hi sinh trong lúc tác giả đang du học: "Vừa bước vào nhà, nhìn thấy ảnh Lộc treo trên tường, dưới ảnh của bố tôi, tôi thốt lên: "Lộc có bức ảnh đẹp quá!" Bỗng phía sau, mẹ tôi òa lên khóc nức nở. Anh cả đến bên tôi nói nhỏ: "Lộc đã hy sinh rồi em ơi! Lộc mất từ năm ngoái ở biên giới Tây Nam, nhưng em đang ở xa nên nhà giấu em, không báo..." (bài Mây trắng đồi 82).

Các tác phẩm trong Người trên đường đời đa phần đều thấm đẫm tình người. Ở đó, nhà báo Hồ Quang Lợi cho thấy sự quan sát tinh tế, cách miêu tả vừa chân thực, vừa thi vị: "Bà Lucienne Rodier đứng dậy. Gương mặt nhiều nếp nhăn của bà thật nhẹ nhõm phúc hậu. Bà nhờ tôi hướng dẫn đi thăm chùa Một Cột. Tôi đỡ bà chậm rãi bước xuống bậc thang. Nắng thu ngời lên trên Quảng trường Ba Đình. Người bạn Pháp lão thành đáng quý trọng đó nói với tôi: "Có thể đây là chuyến thăm Việt Nam cuối cùng của tôi. Đất nước này thật là đẹp. Mong sao cho nước Việt Nam đổi mới chóng tới bến bờ hạnh phúc". (bài Câu chuyện lịch sử trong nắng Ba Đình); "Chị Võ Hòa Bình dẫn tôi ra vườn, men theo những lối nhỏ mà hàng ngày Đại tướng vẫn đi dạo sau những giờ làm việc. Tôi hình dung ra dáng Người, tóc bạc như mây, khoan thai tản bộ dưới những vòm lá xanh rì, tưới cây, chăm chút cho những giò phong lan - loài hoa mà Đại tướng thích nhất. Các cột của giàn hoa phong lan được hàn nối bằng hàng chục vỏ đạn đại bác 155 ly, dưới giàn hoa là một bể cá, nơi hàng ngày Đại tướng vẫn cho cá ăn" (bài Chiều cuối năm trong ngôi nhà đại tướng).

Nhà báo Hồ Quang Lợi và hành trình hơn 30 năm đi tìm "người trên đường đời"- Ảnh 3.

Nhà báo Hồ Quang Lợi gặp mẹ của một trong 10 cô gái Lam Hạ. (Ảnh: NVCC)

Xuyên suốt tác phẩm vẫn là hình ảnh của một nhà báo đáng kính ngưỡng, dù anh không một lần tự tôn vinh chính mình. Trong nhiều sự việc, Hồ Quang Lợi xông xáo và kiên trì trong hành trình đi tìm công lý, cũng sắc sảo, am hiểu khi đưa ra những nhận định về tình hình chính trị. Chia sẻ với Dân Việt, anh cho biết: "Có những nhân vật tôi cảm thấy phải dồn vào đấy tất cả tâm huyết để đấu tranh, bảo vệ sự thật, trả lại sự công bằng. Nhìn lại hành trình hơn 30 năm qua, tôi hài lòng bởi mình đã làm đúng bổn phận của một người làm báo".

Nói thì ngắn gọn, nhưng đó chắc hẳn là những ngày tháng kiên trì và không ít gian lao. Cùng với một số nhà báo khác, anh miệt mài gõ cửa nhiều cơ quan chức năng, đi tìm công lý cho 32 thanh niên xung phong đã hy sinh ở hang tổ 4, sau 36 năm vẫn không được công nhận liệt sĩ. Trong một bài ký, tác giả thể hiện sự tâm huyết, trăn trở: "Chúng tôi nghĩ rằng mọi thủ tục, chính sách, quy định đều do con người, nếu điều gì chưa hợp lý thì phải điều chỉnh để tránh những nghịch lý. Sự việc này kéo dài 36 năm, đau thương mất mát nào có nguôi ngoai. Thật xót xa khi biết rằng trong số cha, mẹ của 32 người đã hy sinh ở hang Tổ 4, đến nay chỉ còn 4 cụ còn sống. Nếu các thủ tục này không làm khẩn trương sẽ đến lúc không còn một ông bố bà mẹ nào trước lúc nhắm mắt kịp biết con mình được công nhận liệt sĩ". (bài Sự kiện bi hùng hang tổ 4).

Nhà báo Hồ Quang Lợi và hành trình hơn 30 năm đi tìm "người trên đường đời"- Ảnh 4.

Nhà báo Hồ Quang Lợi. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư Vũ Khiêu từng nhận xét, Hồ Quang Lợi "là một nhà chính trị vững vàng, một nhà văn hóa uyên bác". Bản lĩnh ấy đã mở ra cho anh có cơ hội có hàng loạt cuộc gặp gỡ giá trị trên đường đời, để thông qua tác phẩm này, như cách nói của anh: "Một lần nữa tôn vinh và khẳng định nét đẹp của cuộc sống". "Những con người tôi đã gặp trong "Người trên đường đời" đều là ánh lửa đẹp đẽ trong cuộc đời này. Kể về họ, tôi cũng muốn tái hiện những câu chuyện của lịch sử, của xã hội, qua đó gửi gắm niềm tin vào những điều thiện lương và tốt đẹp" – nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ.

Còn có một ý nghĩa khác của Người trên đường đời, mà dù tác giả không nhắc tới, vẫn có thể thấy đây là một đóng góp quan trọng của tác phẩm. Đó là sự truyền cảm hứng của cuốn sách này tới những người trẻ, đặc biệt là những người trẻ làm báo. Để rồi, qua những chân dung, những câu chuyện khác nhau, họ có thêm niềm tin và sự tử tế khi dấn thân vào hành trình mình đã chọn.

Nhà báo Hồ Quang Lợi sinh ra ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, anh hiện là Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam. Anh từng đoạt 9 giải Báo chí Quốc gia và toàn quốc (trong đó có 5 giải A) các năm: 1991, 1997, 2003-2006, 2008 - 2009; 2 giải thưởng Văn học, Nghệ thuật, Báo chí về Chiến tranh Cách mạng và LLVTND (1991-1995; 1999- 2004)….

Anh cũng là tác giả nhiều cuốn sách giá trị về nghề báo: Cuộc bứt phá toàn cầu (1997); Ẩn số thời cuộc (2004); Xung chấn kỷ nguyên đột biến (2011); Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc (2012); Những chân trời cuộn sóng (2013); Hà Nội - Cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại (2014); Thế sự và mắt nhìn (2015); Nước Nga hành trình tới tương lai (2017); Thời cuộc và Văn hóa (2019)…

No comments

Trung Tam Day Nghe Toc | Day Nghe Toc Gia Re | Hoc Cat Toc Ha Noi | Day Cat Toc Gia Re | Hoc Cat Toc | Hoc Cat Toc Co Ban | Hoc Vien Toc | Hoc Vien Toc Ha Noi | Day Cat Toc Nam Ha Noi | Day Cat Toc Nu Ha NoiDay Cat Toc Gia Re | Học Viên Tóc Hà Nội | Học Cắt Tóc Tại Hà Nội | Nên Học Cắt Tóc Ở Đâu | Địa Chỉ Dạy Cắt Tóc | Trung Tam Day Nghe Toc Tai Ha Noi | Truong Day Cat Toc Ha Noi | Hoc Cat Toc Nam O Ha NoiHọc Cắt Tóc Ở Hà Nội | Dạy Nghề Uy Tín | Học Nghề Cắt Tóc Ở Đâu | Học Viên Tóc Hà Nội | Học Cắt Tóc Uy Tín Hà Nội | Hoc Cat Toc Chi Phi Thap | Day Cat Toc Co Ban Ha Noi