"Ngất ngây" đêm trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại tỉnh Bắc Kạn
Nơi các Di sản văn hóa Bắc Kạn hội tụ
Đêm 27/8 tại phố đi bộ Sông Cầu TP. Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) đã diễn ra chương trình trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại tỉnh Bắc Kạn. Chương trình với sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên đến từ các huyện, thành phố trên địa bàn Bắc Kạn đã thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Theo Ban Tổ chức, chương trình trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại tỉnh Bắc Kạn không chỉ nhằm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về bản sắc văn hóa của các dân tộc, tăng cường tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh mà còn là cơ hội để biến di sản văn hóa thành các sản phẩm du lịch; giúp du khách biết đến nhiều hơn về vùng đất, con người Bắc Kạn.
Chương trình trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại tỉnh Bắc Kạn đã thực sự khiến du khách ngỡ ngàng và đắm chìm trong nhiều cung bậc cảm xúc. Nhất là khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của những thiếu nữ dân tộc Dao trong trang phục sặc sỡ cùng những câu Páo dung tình tứ đắm say; được thưởng thức các làn điệu hát sli, hát lượn của người Tày, Nùng; điệu múa khèn mênh mang của người Mông chốn non cao Bắc Kạn và ngây ngất cùng điệu múa bát - điệu múa tiên truyền của 200 nghệ nhân, diễn viên Tày đổ bóng sắc chàm bên dòng Sông Cầu thơ mộng.
Những làn điệu dân ca, dân vũ được trình diễn tại phố đi bộ Sông Cầu khiến du khách không nỡ rời bước chân đều là những loại hình nghệ thuật đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Bắc Kạn, được các nghệ nhân, diễn viên đến từ 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thể hiện.
Bức tranh văn hóa Bắc Kạn toàn diện, đa sắc - động lực phát triển kinh tế
Tỉnh Bắc Kạn được biết đến là địa phương có nhiều dân tộc ít người cùng sinh sống. Mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán riêng có, đan xen, tạo nên bản sắc đặc trưng vùng miền.
Những di sản như: Lượn cọi, Lượn slương; hát Then - đàn tính; múa bát của người Tày; hát Sli của người Nùng; hát Páo dung của người Dao; nghệ thuật thêu hoa văn trang trí trên trang phục của người Dao Đỏ; nghi lễ Cấp sắc của người Dao Tiền đến nghệ thuật múa khèn của người Mông đã tạo nên bức tranh toàn diện về diện mạo văn hóa của tỉnh Bắc Kạn.
Bức tranh đa sắc màu được khắc họa mang đậm giá trị nhân văn, phản ánh sinh động vẻ đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc Bắc Kạn trong sinh hoạt, lao động, sản xuất với mục tiêu hướng tới tương lai tươi đẹp. Chính nét riêng có ấy đã để lại ấn tượng sâu đậm cho du khách thập phương khi đến khám phá và trải nghiệm các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Bắc Kạn.
Anh Đỗ Đức Khải đến từ tỉnh Hà Giang cho biết, văn hóa Bắc Kạn và Hà Giang có nét tương đồng. "Tôi rất ấn tượng với đêm trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Bắc Kạn hôm nay. Với những gì đã được thưởng thức trên phố đi bộ này, tôi chắc chắn sẽ còn quay trở lại để được đắm chìm trong những không gian văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc nơi đây".
Chia sẻ với Dân Việt, chị Nguyễn Thị Nga, Phường Xuất hóa, TP Bắc Kạn cảm thấy "thật sự xúc động và tự hào khi được trình diễn điệu múa bát đặc sắc của dân tộc Tày chúng tôi". Đây là lần thứ hai chị được trình diễn ở sân khấu lớn như vậy.
"Trước đó tôi đã tham gia trong tiết mục múa bát của 1.000 nghệ nhân, diễn viên tại Tuần lễ văn hóa du lịch do tỉnh Bắc Kạn Kạn tổ chức. Cả 2 lần, lần nào biểu diễn trong tôi cũng tràn đầy xúc cảm. Qua đây, tôi mong rằng tiết mục của chúng tôi sẽ góp phần lan tỏa văn hóa của người Tày đến với du khách trong nước và quốc tế", chị Nga cho biết thêm.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh, chương trình trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Bắc Kạn là hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thể hiện sâu sắc mạch kết nối văn hóa của các dân tộc với nét nhân văn, giàu giá trị di sản. Đây cũng chính là một trong những tiềm năng, thế mạnh và có thể trở thành các sản phẩm du lịch, tạo động lực không ngừng, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.
Việc đưa Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Bắc Kạn phục vụ du khách trên tuyến phố đi bộ mới khai trương đã tạo được hiệu ứng rõ rệt, thu hút cả nghìn người dự phần. Được biết, chương trình trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Bắc Kạn cũng là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của chương trình Du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ XV do tỉnh Bắc Kạn đăng cai tổ chức.
Khen thưởng 18 tập thể, 8 cá nhân
Bắc Kạn là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và đời sống văn hóa vô cùng phong phú, mang đậm bản sắc độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng.
Năm 2019, tỉnh Bắc Kạn vinh dự được UNESCO vinh danh Di sản thực hành Then của người Tày Bắc Kạn trong di sản "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn còn có 20 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh đều có những phong tục, tập quán tốt đẹp khác nhau, đan xen nhau tạo nên một bản sắc đặc trưng vùng miền. Chính những nét đẹp riêng có này đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách mỗi lần đến với Bắc Kạn.
Tại Chương trình, UBND tỉnh Bắc Kạn đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho 18 tập thể và 8 cá nhân được nhận vì có thành tích xuất sắc trong Đợt thi đua cao điểm 75 ngày đêm lao động sáng tạo, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày giải phóng tỉnh Bắc Kạn (24/8/1949 - 24/8/2024).
No comments