Nghệ sĩ Nhân dân được mệnh danh là kỳ nữ sân khấu: "Mẹ dạy tôi hai bài học lớn về làm từ thiện"
Đã tròn 20 năm kể từ ngày NSND Bảy Nam qua đời. Chị chắc hẳn vẫn còn nhiều những kỷ niệm và hồi ức về mẹ?
- Trước hết, tôi muốn cảm ơn Dân Việt đã cho tôi cơ hội để nói về má tôi - người phụ nữ không chỉ cho tôi cuộc sống, nghề nghiệp, mà còn cho tôi một tâm hồn để sống giữa cuộc đời.
Nói về má thì quá nhiều điều để nhớ, để nói ra. Hôm nay, tôi chỉ chia sẻ những dấu ấn của má để hình thành nên con người tôi, về cách dạy con của một bà má nghệ sĩ với một đứa con nghệ sĩ. Những lời má dạy rất hay, dạy như không dạy, mà cho tới giờ tôi vẫn nhớ như in bài học đó.
Gia đình tôi 4 đời theo nghệ thuật, ông cố hát tuồng, ông bà nội, bố mẹ tôi hát cải lương, tới tôi lại làm kịch nói. Niềm đam mê sân khấu ngấm vào trong máu tôi từ nhỏ, nhưng đạo làm nghề là do má dạy. Má luôn nhắc nhở rằng: "Thiên chức của người nghệ sĩ không phải chỉ để mua vui, bán buồn cho thiên hạ. Ân trên mang tới chúng tôi một hạnh phúc thiêng liêng hơn, đó là góp phần làm cuộc đời này tốt đẹp, nhân văn thông qua những tác phẩm của mình. Má tâm niệm, một người làm văn hóa dở sẽ giết chết nhiều thế hệ, bởi trẻ em cần nuôi dưỡng bằng những vẻ đẹp cuộc đời. Thông qua các bài ca, vở kịch, người nghệ sĩ phải truyền tải được tinh thần đó.
Má chủ trương sân khấu cần sạch và đẹp, hướng tới chân thiện mỹ. Với má, đó là nơi người ta tới học, những thứ mình muốn gửi gắm sẽ dần đi vào tiềm thức của họ, khiến người ta suy nghĩ và hành động theo sau đó.
Là con gái của nghệ sĩ được coi là vị tổ của bộ môn cải lương, chị đã lên sân khấu như thế nào?
- Cách đây gần 100 năm, má tôi và nghệ sĩ Phùng Há, Năm Thủy… là những người đầu tiên dàn dựng sân khấu cải lương, lúc đó thiên hạ coi thường nghề hát này lắm, còn cho là xướng ca vô loài. Thế nhưng má tôi cắt nghĩa cho tôi rằng, nghề này đẹp chứ không xấu, xấu là do người làm nghề, còn đây là công việc làm đẹp cho đời.
Cả gia đình bên bà ngoại tôi có 12 người con, 6 con trai là thầy giáo đi dạy học, còn 6 người con gái đều đi hát. Nghề diễn chỉ đủ ăn, đủ mặc nhưng chưa bao giờ má tôi quan tâm nhẫn hột xoàn, vòng cẩm thạch, chỉ mong có kịch bản, vai diễn thật hay. Cũng bởi vậy, vài tháng tuổi, tôi đã lên sân khấu, đóng bé con của Thị Mầu trong vở diễn kinh điển Quan Âm Thị Kính.
Khi tôi lên 9 tuổi, ba tôi mất, má với bà Năm Thủy (má nuôi tôi) quyết định: Không cho Kim Cương theo nghề hát, vì cực lắm. 10 năm trời tôi vào trường nội trú học tập, thế rồi cuối cùng vì nhân duyên, lại sống trọn với nghề. Mọi chuyện bắt đầu từ một ngày năm tôi 17 tuổi, nhân dịp nghỉ hè, khi trở về đoàn hát giúp gia đình, tôi lên sân khấu đứng ca, được khán giả nhiệt tình tán thưởng.
Trong cuộc đời tôi, má là người quan trọng nhất. Má có 3 người con nhưng chỉ có tôi theo nghiệp sân khấu, những gì tinh hoa, kể cả niềm kỳ vọng trong ngành má đều truyền hết cho tôi. Tôi vẫn nhớ, có một lần báo chí hỏi về các tác phẩm mà bà ưng ý nhất trong sự nghiệp, má tôi nói: "Tác phẩm mà tôi ưng ý nhất là con Kim Cương đó" (cười).
Còn một điều không thể không nhắc tới, đó là má chị - NSND Bảy Nam và chị đều là những nghệ sĩ đi đầu trong công tác từ thiện, không ồn ào cũng chẳng phô trương?
- Tôi có 2 kỷ niệm đã trở thành kim chỉ nam suốt cuộc đời, cũng là những bài học cuối cùng má dạy trước khi tạ thế. Đó là những ngày cuối cùng của má, khi chỉ còn khoảng chừng 10 ngày má rời đi, có mấy dì trong Hội bảo trợ người nghèo xuống thăm, bà đã mệt lắm rồi. Thấy mọi người trong đoàn đều buồn bã, tôi đùa: "Má ơi, mấy dì cứ bắt con đi làm từ thiện, không cho con ở nhà với má". Tôi chỉ nói chơi, bỗng cặp mắt má sáng lên, má nhìn tôi rồi nói: "Con nói gì kỳ vậy, sao lại nói mấy bà bắt con đi làm từ thiện? Phải nói mấy bà cho con đi làm từ thiện mới đúng chứ". Một người phụ nữ hơn 90 tuổi, đang rất yếu, thế nhưng vẫn dạy con rằng làm gì cho cuộc đời này là hạnh phúc của mình, không phải hạnh phúc của người ta. Đối với tôi, đó là những lời thiêng liêng lắm! Tôi dạy lại con tôi, em tôi, những người thân thiết với tôi như thế.
Ngày má mất rồi, tôi soạn đồ của má, tôi thấy sấp hóa đơn trong tủ, ghi số tiền gửi chuyên mục Từ thiện của các báo. Trong số đó, không có hóa đơn nào để tên bà Bảy Nam hết, cái thì để tên bà bán vịt lộn, bà Tư bán chè, đó là những vai tuồng của má khi xưa. Đây cũng là bài học cuối cùng má dạy lại cho tôi – rằng mình làm việc thiện không phải để đưa tên tuổi của mình ra, để quảng cáo hay khoa trương, quan trọng là hạnh phúc đến với người cần.
Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, má chắc hẳn cũng là người bạn, người đồng hành của chị?
- Đúng vậy! Tôi là nghệ sĩ, không tránh khỏi những phút yếu lòng nhưng may mắn về tinh thần khi là con của má, rồi được gặp các thầy. Má động viên tôi trong nghề, trong cuộc sống, có chuyện gì tôi cũng kể. Năm 15 tuổi, khi tôi buồn bã vì thất tình, không thiết sống, thầy Tịnh Thanh Từ - một trong những cao tăng của miền Nam lắng nghe tâm sự của tôi rồi nói: "Con biết không? Con có được nghề nghiệp như vậy là ơn bề trên giao trách nhiệm cho con, thành ra con không được quyền chết. Cuộc đời con người có 10 phần, con đã may mắn tới 8 phần, như vậy là hơn rất nhiều người rồi".
Theo thời gian, tôi nhận ra ai cũng có một miền sóng gió, càng nhiều danh vọng, càng lắm gian nan. Tôi cũng đi qua bao nhiêu đau khổ, thăng trầm, nhưng nhớ má, nhớ ơn thầy, tôi lại cố gắng sống một cuộc đời không để má và thầy buồn bã.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
No comments