Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Trần Đăng Khoa chẳng có tài cán gì đâu, thậm chí rất vớ vẩn”
Mới đây, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có buổi giao lưu và trò chuyện với các bậc phụ huynh theo chủ đề "Những lời khuyên của nhà thơ dành cho các ba mẹ trẻ" tại Nhà sách Tân Việt (Hà Nội).
Mở đầu cuộc trò chuyện, nhà thơ Trần Đăng Khoa kể những kỷ niệm về hàng loạt bài thơ nổi tiếng của ông. Đó là những vần thơ liên quan đến tình cảm gia đình, tình cha mẹ. Qua đó, ông khẳng định cha mẹ không chỉ là người thầy đầu đời của con, mà còn là người định hướng và tạo cho con những thói quen tốt ngay từ nhỏ.
Nhà thơ chia sẻ, bản thân ông có tình yêu văn thơ và có năng khiếu làm thơ từ bé. 7-8 tuổi, ông đã có thơ in báo. 10 tuổi ông đã có tập thơ riêng. Và 10 tuổi thì Pháp đã làm bộ phim về ông với tựa đề "Thế giới của bé Khoa".
"Lớp 3, tôi đã làm thơ, viết văn, viết cả tiểu thuyết và các tác phẩm của tôi đã được in thành sách rồi. Sách đã được dịch ra 40 thứ tiếng và phát hành rộng rãi trên thế giới rồi. Có người bảo "Trần Đăng Khoa là thần đồng", "Trần Đăng Khoa là thế này, là thế kia… ông ấy giỏi lắm". Nhưng tôi nói thật, không có ai hiểu Trần Đăng Khoa bằng tôi đâu. Tôi có thể nói rằng, Trần Đăng Khoa chẳng có tài cán gì đâu, rất vớ vẩn. Cậu ấy chỉ có một bí quyết thôi… bí quyết đó làm nên cậu ấy, chính là cậu ấy chịu khó đọc sách. Trí khôn loài người nằm hết ở trong sách cho nên từ bé tôi đã đọc sách để học cái trí khôn ấy rồi", nhà thơ Trần Đăng Khoa tự sự.
Nhà thơ "Góc sân và khoảng trời" cũng tâm sự thêm rằng, bố mẹ ông là những người không biết chữ. Nhưng bên nhà nội ông lại nhiều nhà Nho, nhiều nhà khoa bảng. Có 3 cụ trong dòng họ của ông đỗ Tiến sĩ và đều có văn bia lưu trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Có cụ còn là thầy dạy của vua, hoàng tử, công chúa trong cung.
"Mẹ tôi cũng là một người mù chữ vì ngày xưa các cụ quan niệm "Con gái không cần phải biết chữ, biết nhiều chữ lại đi theo trai". Dẫu không biết chữ nhưng mẹ tôi lại có phương pháp dạy con rất lạ kỳ. Tôi rất biết ơn mẹ tôi. Không phải ngẫu nhiên nhà tôi 4 người thì có tới 3 người đều gắn với chữ "sĩ". Trên tôi là ông anh nhà thơ Trần Đăng Minh (Trần Nhuận Minh), anh ấy đã có hơn 60 cuốn sách rồi. Thơ của anh ấy đã vào sách giáo khoa và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Trong đó có bài thơ "Dặn con" với những vần thơ:
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào…
Mẹ tôi toàn dạy tôi những điều tử tế nhưng hồi bé tôi chưa hiểu nhiều lắm. Sau này, khi anh trai tôi có con, tôi mới hiểu những lời mẹ dạy. Mẹ bảo: "Các con phải dạy con mình biết yêu con chó, con mèo, con gà, con vịt, cây na, cây ổi, cây chuối… Một đứa trẻ ngắt một cái cây mới lên để đánh đau con chó là sau này nó cũng có thể làm thế với con người".
Bà chỉ dạy những điều đơn giản thế thôi nhưng vô tình lại hướng tôi đến với văn chương. Đấy chính là "phép nhân hóa" trong văn học. Thời đó tôi có biết "phép nhân hóa" là gì đâu. Sách giáo khoa thời chúng tôi đi học cũng không hay như sách của các con bây giờ đâu. Vì thế tôi phải tìm sách để đọc thêm. Từ bé, tôi đã học thuộc "Truyện Kiều" của cụ Nguyễn Du".
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, các bố mẹ đừng thấy con trẻ biết rung động sớm là tỏ ra lo lắng. Ngày xưa, 8 tuổi, nhà thơ Hoàng Cầm đã có những rung động đầu tiên với bạn khác giới. Ngay chính bản thân nhà thơ Trần Đăng Khoa, năm lớp 2 đã rất cảm mến cô giáo của mình. Đó là những tình cảm rất thiêng liêng chứ không phải sự kỳ quặc.
"Như thế không phải là tôi hư hỏng đâu, mãi 45 tuổi tôi mới lấy vợ cơ mà", nhà thơ Trần Đăng Khoa thanh minh cho mình.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa thú nhận biết yêu từ sớm
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng thú nhận, ông biết yêu từ rất sớm nhưng mãi đến năm 60 tuổi mới gặp lại "người tình trong mộng thuở trẻ thơ". Và ông đã cho người bạn gái ấy xem hết những thơ ông viết tặng người ấy mà chưa có dịp được trao gửi.
"Lúc tôi đưa thơ cho cô ấy, cô ấy không tin, bảo: "Cậu lúc nào cũng đùa được". Cô ấy nghe xong cảm động lắm. Cô ấy bảo: "Sao ngày xưa ông không nói thẳng với tôi", tôi bảo: "Nếu ngày xưa tôi bảo thẳng là tôi thích cậu thì sẽ thế nào?". Tôi từng đưa câu hỏi này ra hỏi các sinh viên trong những buổi nói chuyện nhưng các bạn trẻ đều đưa ra đáp án sai. Có em còn bảo: "Không, không được yêu nhau ở tuổi học trò". Đâu, đây có phải tình yêu đâu, yêu gì ở lớp 1, lớp 2. Nó là sự rung động đặc biệt thôi.
Ngày xưa, ở tuổi 24, tôi yêu một cô bé là nghệ sĩ, diễn viên hát. Yêu mê mết cô ấy nhưng chở nhau đi cả một chặng đường dài chẳng biết nói chuyện gì. Đến khi đi qua đoạn đường có đường xe điện ở phố Nguyễn Thái Học thì cô ấy ngã lăn ra. Lúc đó, tôi có nói với cô ấy một câu và câu ấy khiến chúng tôi chia tay nhau mãi mãi", nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa kể thêm.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói rằng, sở dĩ ông kể dông dài câu chuyện của mình để các bậc làm cha, làm mẹ thấy rằng, vai trò của bố mẹ trong việc hình thành nhân cách của con rất quan trọng. Bố mẹ không chỉ đóng vai trò là người thầy mà còn là người bạn của con. Một khi có những chuyện con mình sẵn sàng tâm sự với bạn nhưng lại không hề muốn tâm sự với bố mẹ, đó là dấu hiệu của sự đứt gãy kết nối trong gia đình.
"Làm thầy của con thì dễ, làm bạn của con thì khó. Chơi với con là một cách để dạy con. Dạy như chơi, chơi như học, học mà chơi", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói thêm.
No comments