Trần Hòe - Hoàng Lê Thứ ba, ngày 24/09/2024 14:53 PM (GMT+7)
Những bộ sưu tập tại lễ hội Áo dài Huế 2024 rất độc đáo, lấy cảm hứng sáng tạo từ hình tượng "phụng - chim phượng hoàng" trong trang trí kiến trúc và trang phục cung đình nhà Nguyễn kết hợp với vẻ đẹp trang phục áo dài Việt Nam hiện đại.
Tối 23/9, tại Nhà hát Sông Hương, TP.Huế lễ hội Áo dài Huế 2024 với chủ đề "Linh Phụng" diễn ra đã thu hút đông đảo khán giả, du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Hoàng Lê.
Chương trình do Quang Tú viết kịch bản và tổng đạo diễn, với sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ, vũ công cùng với các hoa hậu, người đẹp, người mẫu chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước. Ảnh: Hoàng Lê.
Chương trình qui tụ 12 nhà thiết kế và thương hiệu đến từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Huế, như Vũ Việt Hà, Quang Huy, Đức VinCie, Hữu Là La, Trần Thiện Khánh, Quang Hoà, Viết Bảo, Xuân Hảo, Đoan Trang, Cẩm Sa, La Mua, Về miền Hương Ngự… Ảnh: Hoàng Lê.
Đây là chương trình nghệ thuật độc đáo, với thời trang kết hợp loại hình múa, hát, nhạc, những giai điệu âm nhạc Huế truyền thống và hiện đại được hòa âm, phối khí mới và vũ điệu được lấy từ những điệu múa cung đình. Ảnh: Hoàng Lê.
Những bộ sưu tập áo dài được trình diễn tại chương trình đều rất đặc biệt, lấy cảm hứng sáng tạo từ hình tượng "phụng - chim phượng hoàng" trong trang trí kiến trúc và trang phục cung đình nhà Nguyễn kết hợp với vẻ đẹp trang phục áo dài Việt Nam hiện đại. Ảnh: Hoàng Lê.
Lễ hội Áo dài Huế 2024 gồm 3 chương, chủ đề mỗi chương là một câu chuyện kể về huyền thoại con chim phượng, một trong tứ linh. Trong đó, chương 1 có chủ đề "Phụng vũ", miêu tả phụng vươn cánh bay trong những áng mây lành, lướt trên sóng nước, về nhảy múa trên cây ngô đồng… Ảnh: Hoàng Lê.
Với chủ đề "Linh phụng", chương 2 của chương trình gợi cho người xem nhớ về truyền thuyết phụng hoàng chỉ xuất hiện vào những thời đại thịnh trị, là biểu tượng của mặt trời, hơi ấm của mùa hạ và sự thu hoạch mùa màng… Ảnh: Hoàng Lê.
Chương 3 với chủ đề "Bách phụng cát tường" kết thúc chương trình với hình tượng trăm con chim phụng cùng bay lên, biểu tượng cát tường, gắn với chữ "Thọ - Phúc - Hỷ…", được xem là khát vọng của cuộc sống bình yên, của triều đại thái bình... Ảnh: Hoàng Lê.
Hình tượng chim phụng có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa Việt Nam, trở thành đề tài quen thuộc trong kiến trúc, điêu khắc và trang trí truyền thống của dân tộc. Ảnh: Hoàng Lê.
Lễ hội Áo dài là lễ hội thường niên trong Festival Huế, nhằm tôn vinh và khẳng định vị thế Huế - Kinh đô áo dài. Ảnh: Hoàng Lê.
Chương trình tạo cơ hội gặp gỡ và tỏa sáng vẻ đẹp Huế gắn với xây dựng và phát triển áo dài Huế trở thành thương hiệu đặc sắc, trên cơ sở đó làm cho văn hóa Huế có một sức bật mới. Ảnh: Hoàng Lê.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
No comments