Lắng đọng cảm xúc với chương trình nghệ thuật "Hà Đông - miền khoa bảng, đất địa linh, vươn mình khởi sắc"
Sáng nay (5/12), Lễ kỷ niệm 120 năm thành lập Hà Đông và đón nhận Huân chương lao động hạng Ba của Chủ tịch nước đã diễn ra trang trọng tại Hà Nội. Tham dự lễ kỷ niệm có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước và thay mặt lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Thành phố Hà Nội, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hà Đông.
Với thời lượng 36 phút ngắn gọn, Hà Đông, miền khoa bảng, đất địa linh, vươn mình khởi sắc vẫn thể hiện được đầy đủ các nội dung cần biểu đạt: Trang vàng sử tích - miền đất khoa bảng, văn nhân (Chương I); Truyền thống anh hùng – sáng bừng trí nhân (Chương II); Rạng rỡ làng nghề - Hòa nhịp Thủ đô (Chương III).
Ngay phân cảnh mở đầu, màn nghệ thuật trình diễn mang tên Tinh hoa xứ lụa – Rạng rỡ tương lai được kết hợp giữa trình diễn trống hội và múa lụa đã làm nổi bật chủ đề do hai ca sĩ Trọng Tấn, NSƯT Ngọc Bích biểu diễn với ca khúc: Hà Nội linh thiêng hào hoa (Sáng tác: Lê Mây), Làn điệu chèo Tứ Quý (Sáng tác: Lê Thế Song) đã vô cùng ấn tượng. Đặc biệt âm nhạc được phối mới trên chất liệu âm nhạc đương đại và dân gian đương đại.
Chương I: Hà Đông: Trang vàng sử tích - miền đất khoa bảng, văn nhân có sự kết hợp khá ăn ý giữa lực lượng diễn viên múa chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng để cùng kể câu chuyện về lịch sử vùng đất Hà Đông đã mang tính thẩm mỹ cao và ấn tượng, vinh danh các bậc tiền nhân và danh nhân Hà Đông như Lưỡng quốc trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú, danh nhân Hoàng Trình Thanh, danh y Hoàng Đôn Hòa, hoàng phi Trần Thị Hiền thời Mạc Tổ mở mang nghề tơ lụa, dạy dân cách làm ăn trên đất Hà Đông....
Chương II: Hà Đông: Truyền thống anh hùng – sáng bừng trí nhân thể hiện ý chí và con người Hà Đông trong đấu tranh cách mạng. Với những ca khúc: Chiến sĩ Việt Nam, Ngày mùa của nhạc sĩ Văn Cao; Lá cờ (Sáng tác: Tạ Quang Thắng), Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng (Sáng tác: Mai Trâm)... do các ca sĩ Tiến Hưng, Trọng Tấn, Kiều Oanh thể hiện.
Các tiết mục được dàn dựng công phu, lấy cảm hứng từ lịch sử hình thành vùng đất Hà Đông. Ảnh: TH
Chương III: Hà Đông: Rạng rỡ làng nghề - Hòa nhịp Thủ đô thể hiện khí thế đổi mới của Hà Đông với những sự đổi mới với các công trình, danh thắng, danh nhân và đặc biệt là những làng nghề truyền thống nổi danh như: Mộc Thượng Mạo (Phú Lương), Rèn Đa Sỹ (Kiến Hưng) Và Lụa Vạn Phúc (Vạn Phúc)...
Tại lễ kỷ niệm, người dân đã được xem một chương trình nghệ thuật tràn ngập cảm xúc, sâu lắng, hào hùng và vẹn đầy niềm tin yêu về miền đất Hà Đông với hành trình 120 năm khởi dựng và phát triển.
Mặc dù là một chương trình nghệ thuật kỷ niệm nhưng các tiết mục vẫn làm nổi bật được thông điệp về "Hà Đông, miền khoa bảng, đất địa linh, vươn mình khởi sắc". Ảnh: TH
Chương trình nghệ thuật Hà Đông, miền khoa bảng, đất địa linh, vươn mình khởi sắc
Chương trình nghệ thuật Hà Đông, miền khoa bảng, đất địa linh, vươn mình khởi sắc được kết nối liền mạch và biểu diễn bằng trình thức kết hợp giữa kịch múa sử thi, lời bình nghệ thuật và các bài hát ca ngợi đất và người Hà Đông, ca ngợi Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đồng thời, tôn vinh những danh thần, danh tướng, các vị tiên hiền Quốc Mẫu đất Hà Đông trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Khắc họa đậm nét hình ảnh miền đất khoa bảng, hiếu học, bách nghệ trao truyền và tinh hoa xứ lụa.
Điểm nhấn của chương trình là sự kết hợp trình diễn nghệ thuật của ca khúc đương đại trên nền trống hội kết hợp nghệ thuật truyền thống mang đến sự phối hợp khéo léo và hấp dẫn giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đương đại.
Những lớp diễn kịch múa trên nền ca khúc cách mạng vừa hùng tráng, vừa trữ tình, chứa đựng được những câu chuyện hào hùng, tự hào của người Hà Đông trong đấu tranh cách mạng và thống nhất đất nước. Khắc họa được hình ảnh Bác Hồ với hình ảnh Bác viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tại Vạn Phúc – Hà Đông năm 1946.
Nhà biên kịch, Tổng Đạo diễn Lê Thế Song được coi là "mát tay với các lễ hội văn hóa truyền thống" luôn tôn trọng việc gìn giữ truyền thống trong lối tư duy hiện đại và sáng tạo nghệ thuật, chương trình có chất lượng nội dung và nghệ thuật cao đã không phụ lòng mong đợi của BTC.
Nhờ vốn liếng văn hóa chắt chiu bao năm, kinh nghiệm dày dạn, sự chỉn chu chi tiết và sáng tạo trong nghề, đặc biệt là tác giả của hơn 50 vở kịch hát nên Lê Thế Song tận dụng thế mạnh sử thi trong bố cục chương trình và ngôn từ trong lời bình bằng thơ, làm nổi bật đất và người Hà Đông.
Ngoài các tiết mục nghệ thuật đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tác giả Lê Thế Song còn có những tác phẩm viết riêng cho mỗi chương trình, từ đó tạo nên dấu ấn cá nhân, không trùng lặp với các đạo diễn, biên kịch khác trong nghề. Trong chương trình này, Lê Thế Song đã sáng tác những tác phẩm âm nhạc riêng cho Hà Đông như: Làn điệu chèo Tứ Quý, Hát văn theo làn điệu Cờn và Xá Thượng, Hà Đông – Bách nghệ tinh hoa...
Tham gia đọc lời bình cho chương trình, NSND Lê Chức chia sẻ: "Nghệ sĩ chúng tôi cũng là để đóng góp thêm phần sáng tạo và trách nhiệm nghệ sĩ trước công chúng. Những chương trình như Hà Đông, miền khoa bảng, đất địa linh, vươn mình khởi sắc dùng ngôn ngữ tổng hợp của văn hóa nghệ thuật như sân khấu, âm nhạc, múa, tạo hình để hướng tới mục tiêu như một sự định hướng về chính trị. Và như thế tác dụng của chương trình sẽ dễ tiếp nhận hơn và có giá trị lâu dài đối với công chúng".
No comments