Nhiếp ảnh gia Rose Nguyễn: "Có những lúc tôi cô đơn đến cùng cực ở nơi xa xứ" - Học Cắt Tóc Tại Hà Nội

Breaking News

Nhiếp ảnh gia Rose Nguyễn: "Có những lúc tôi cô đơn đến cùng cực ở nơi xa xứ"

N

hiếp ảnh gia Rose Nguyễn (tên thật là Nguyễn Hồng Nhung) sinh năm 1996 tại Hà Nội. Dù chỉ mới 24 tuổi nhưng Rose Nguyễn đã rất nổi tiếng với những người trẻ yêu nhiếp ảnh. Cô từng thực hiện rất nhiều bộ ảnh cho những nghệ sĩ nổi tiếng như Tăng Thanh Hà, Chi Pu, MC Phương Mai, Jennifer Phạm... và từng là gương mặt đại diện cho thương hiệu máy ảnh Leica Việt Nam.

Rose Nguyễn có thời gian du học 3 năm ở bên Đức. Với Rose Nguyễn, đó là khoảng thời gian cực kỳ quý báu để cô trưởng thành, để mở rộng thế giới quan của mình. Ở một đất nước xa lạ, với những con người xa lạ, với văn hóa, lối sống và ngôn ngữ xa lạ, được gặp người cùng chung tiếng nói, được nghe tiếng Việt là điều thật sự hạnh phúc.

Rose Nguyễn đã có những chia sẻ về con đường nhiếp ảnh của mình, về quãng thời gian đi du học với nhiều áp lực, khó khăn và cả những dự định trong tương lai.

Tôi bắt đầu đến với nhiếp ảnh từ khi mới 14 tuổi. Lúc ấy, tôi chỉ là một cô bé học lớp 9, cầm chiếc máy ảnh du lịch của bố mẹ đi chụp bạn bè, chụp cảnh vật xung quanh. Hễ rảnh rang là tôi lại cầm máy lang thang chụp phố xá, con người. Khi ấy tôi không hiểu được đam mê là thế nào, chỉ biết lòng mình thật trống vắng nếu không được chạm vào máy ảnh. Chụp ảnh như một cuộc chơi của riêng tôi, ở đó tôi tò mò quan sát, khám phá thế giới.

Tôi bắt đầu đi làm thêm để kiếm tiền mua máy phim. Thời còn là học sinh nên nghèo lắm, mỗi cuộn phim đều quá đắt giá với một cô bé, bởi vậy mỗi khi giơ máy lên, tôi đều nghĩ ngợi cho từng khung cảnh, cân đo ánh sáng... Sự khó khăn của việc chụp máy phim đã gợi lên sự chinh phục của tôi, từ đó tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về kỹ thuật nhiếp ảnh.

Lớp 12, tôi mua được chiếc máy ảnh số đầu tiên trong cuộc đời. Đến lúc đó, tôi vẫn chỉ nghĩ, nhiếp ảnh chỉ là sở thích riêng, tôi sẽ không theo nhiếp ảnh chuyên nghiệp, sẽ không kiếm được nhiều từ ảnh. Tôi nghĩ mình sẽ giống như mẹ, trở thành một nhân viên kế toán, hoặc làm những công việc văn phòng mang tính ổn định hơn.

Gia đình đã từng hướng cho tôi sang Australia du học ngành Marketing nhưng do phá sản, mọi kế hoạch đều đổ bể. Bản tính tôi vốn thích những điều khác lạ nên sau khi thảo luận với gia đình, tôi quyết định sang Đức học ngành Công nghệ thực phẩm - một nghề thực tế hơn nhiếp ảnh rất nhiều lần, mà lại còn được miễn học phí.

Nhưng tôi đã lầm, khi trong lòng luôn canh cánh với nhiếp ảnh, tôi đã quyết định bỏ ngang, nộp hồ sơ sang ngành Đồ họa của trường Design Factory International tại Hamburg (Đức) và được nhận thẳng. Với tôi, hơn 3 năm học ở Đức là khoảng thời gian cực kỳ quý báu, cho tôi những kiến thức về Đồ họa, về nhiếp ảnh và giúp tôi trải nghiệm được cuộc sống của một du học sinh, để thêm yêu và trân trọng gia đình, quê hương, đất nước.

Khi là du học sinh, một mình ở một đất nước xa lạ, với những con người xa lạ, với văn hóa, lối sống và ngôn ngữ xa lạ, ai cũng phải học cách đối mặt với mọi thứ, học cách lớn lên một mình. Tôi phải tự nấu ăn, phải tự chăm sóc bản thân mỗi lần ốm đau. Tôi học cách quản lý công việc qua vô số lần đặt nhầm vé máy bay, nhầm xe bus, nhầm lịch học... Tôi cũng phải học cách tiết kiệm tiền sinh hoạt vì sống ở nước ngoài rất tốn kém, gia đình chỉ hỗ trợ được phần nào thôi.

Nhưng điều khó khăn nhất mà tôi phải đối mặt đó là ánh nhìn kỳ thị từ những người địa phương chỉ đơn giản là tôi có màu da khác họ, vóc dáng khác họ. Có thể là do tôi khá nhạy cảm, nhưng tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà cũng nhiều du học sinh đã từng chịu qua cảnh ấy. Ngay ở trường học, cách họ đối xử với học sinh Đức và du học sinh từ các nước khác rất khác biệt.

Có lần, tôi đi du lịch đến một vùng quê ở miền Trung nước Đức, khi đang ra bến tàu để quay lại thành phố thì bị một đám thiếu niên bản địa ném kẹo vào người rồi cười cợt. Lúc ấy tôi thật sự rất sốc, tủi thân mà không biết phải làm gì, chưa bao giờ tôi bị đối xử như thế. Đến lúc bình tĩnh lại, tôi mới tự an ủi bản thân rằng: “Có lẽ đây chưa phải vùng đất cho mình. Sau này, khi mình thành công, khi mình có vị trí nhất định, mình sẽ có quyền sống ở đâu mà mình thích”.

Ngoài những chuyện đó, thì cuộc sống ở Đức thực sự khá thoải mái. Ở những thành phố lớn, không có ai quan tâm hay soi mói bạn, dù bạn có ăn mặc kỳ cục, trang điểm quá đà khi đi ngoài đường. Tôi có thể đến rất nhiều bảo tàng, xem nhiều triển lãm nghệ thuật độc đáo mà ở Việt Nam rất ít khi được xem. Ở Đức họ có nhiều không gian văn hóa, nhiều phòng trưng bày hơn.

Trong những ngày rảnh rỗi, tôi đi lang thang khắp châu Âu một mình với chiếc máy ảnh cá nhân. Lúc săn được vé rẻ thì đi máy bay, lúc thì đi tàu, đi xe bus, cả đi nhờ xe đến Anh, Hà Lan, Italy... Tôi đến những vùng đất hẻo lánh của Pháp mà họ không nói tiếng Anh. Thậm chí có lần tôi còn bị lạc trên vùng núi, sát dãy Alps của Thụy Sỹ mà không bắt được xe về thành phố. Buổi tối lạnh ngồi ở lề đường chờ xe bus đến, tôi sợ đến phát khóc. Nhưng cũng nhờ những trải nghiệm đó mà tôi gặp được nhiều người tốt bụng, nhiều người thú vị với những câu chuyện lý thú về cuộc sống của họ.

Tôi cũng thấy mình rất may mắn khi một mình đi quanh Châu Âu mà không gặp sự cố gì lớn, cũng chưa bao giờ bị mất đồ đạc gì. Chắc cũng bởi trông tôi là học sinh nghèo nên người ta... chẳng muốn trộm cắp gì.

Trong thời gian ở Đức, tôi cũng vẫn đi chụp ảnh để có tiền sinh hoạt, chủ yếu chụp cho các gia đình người Việt. Người Việt ở Đức thì rất đông tôi may mắn gặp được những người rất tử tế, họ giúp đỡ tôi rất nhiều. Những lúc khó khăn và nhận được sự hỗ trợ từ đồng hương mới thấy tình người ấm áp như thế nào. Bạn sẽ không biết được cảm giác khi ở nơi cách quê hương mình rất xa, được gặp người cùng chung tiếng nói, được nghe tiếng Việt hạnh phúc như thế nào nếu chưa từng trải qua. Kể cả cảm giác được ăn bát phở, được ăn đồ Việt ở nước ngoài, dù không ngon như ở quê nhà nhưng vẫn thực sự rất “sướng”.

Nhất là vào dịp Tết, hội du học sinh nghèo quây quần lại làm mấy món ăn để đỡ nhớ quê, nhớ gia đình. Đến cái bánh chưng cũng không có, bát phở còn không đủ gia vị. Ở bên Đức họ ăn Tết dương, những ngày đấy đường xá vắng lặng. Còn đến Tết Việt Nam, dù ở nước ngoài phố xá đông đúc, nhưng không có gia đình, bạn bè ở bên thì thực sự không phải là Tết.

Có những lúc, tôi cảm thấy cô đơn đến cùng cực. Áp lực từ một cuộc sống xa gia đình, phải tự xoay sở với mọi thứ, chiến đấu với sự cô đơn, rồi lại hay ốm đau khiến tôi cảm thấy quá sức chịu đựng của mình. Tôi bị trầm cảm! Đó là lúc tôi cảm thấy chán cả nhiếp ảnh khi không ưng ý với những thứ mình chụp. Tôi không thể tâm sự với những du học sinh mà tôi quen bởi tôi biết cuộc sống của họ cũng có quá nhiều áp lực, họ cũng bị trầm cảm như tôi vậy. Do chênh lệch giờ giấc, tôi cũng không thể nói chuyện với ba mẹ nhiều. Bởi vậy, chỉ còn vài tháng trước khi tốt nghiệp, tôi bỏ về Việt Nam.

Sau này nghĩ lại, tôi mới thấy những áp lực đó không quá to tát, nhưng chỉ ở trong hoàn cảnh đó, mới biết được áp lực khiến tinh thần con người khủng hoảng thế nào. Gia đình cũng rất lo lắng cho tôi, nên đã khuyên tôi trở về. Tôi không hối hận về quyết định trở về, bởi nếu không, tôi cũng không biết sẽ có chuyện gì xảy ra với mình. Vả chăng, tôi có thể học tiếp khi nào tôi đủ trưởng thành hơn, đủ đương đầu với mọi chuyện.

Nếu được chọn lại có đi du học hay không, tôi vẫn sẽ đi bởi với tôi, du học là một phần của sự trải nghiệm. Dù ngắn hay dài, dù có kiên trì hay bỏ cuộc thì ít nhất, tôi cũng đã mở rộng được thế giới quan của mình, học cách tiếp nhận những cái mới, để tìm hiểu xem mình muốn gì. Tôi có tuổi trẻ, có thể sai lầm, ngốc nghếch và nông nổi, nhưng tôi đã có thể học cách để trưởng thành hơn, để lớn lên.

Tuy vậy, tôi không nghĩ có nhiều du học sinh đã chuẩn bị được một cách tốt nhất cho cuộc sống xa gia đình. Đa phần, họ chỉ nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ hoặc chỉ được nghe kể về những điều tuyệt vời ở nước ngoài. Tôi cũng có cảm giác, những người lớn và cả những người Việt sống ở nước ngoài luôn vẽ ra một viễn tưởng: Nước ngoài là thiên đường, cuộc sống ở nước ngoài thoải mái hơn, văn minh hơn, yên bình hơn, đều tốt hơn Việt Nam. Tâm lý của mọi người không bao giờ muốn thừa nhận mình khó khăn, chả lẽ đi Tây về lại khổ hơn Ta?

Từ những gì tôi đã thấy, đã cảm nhận, cuộc sống ở nước ngoài không quá sung sướng, nhiều người thực sự rất vất vả để có thể mưu sinh. Bởi vậy, tôi hy vọng những du học sinh phải nhìn được cả những mặt trái của cuộc sống ở nước ngoài để có thể chuẩn bị tinh thần tốt nhất cho chính mình.

Trong 3 năm du học ở Đức, tôi đã từng tham gia các cuộc thi nhiếp ảnh Canon Photo Face-off Vietnam Champion Season 2 (2015) tại Philippines, Angkor Photo Festival 2016 Alumni tại Campuchia và Canon Photo Face-off Redemption (2018) tại Đài Loan. Tôi cũng có cơ hội được cộng tác với nhiều tờ báo lớn như The New York Times, The Washington Post...

Mỗi cuộc thi đều cho tôi cơ hội gặp gỡ, học hỏi bạn bè bốn phương, mở mang tư duy về nhiếp ảnh. Đây thực sự là một ngành công nghiệp lớn. Tôi đã trăn trở liệu sau này mình có sự nghiệp nhiếp ảnh như họ và tạo nên những giá trị hay không?

Đó cũng là một trong những lý do khiến tôi bỏ việc học để trở về nước. Ở Đức, sẽ rất khó cho người nước ngoài “chen chân” vào một ngành nghề nào đó và tạo nên tên tuổi. Tôi nghĩ, đất nước mình đang phát triển rất nhanh, và tôi sẽ có nhiều cơ hội để vươn lên, để tạo dựng thương hiệu hơn. Người Việt với nhau sẽ có sự bao dung và dễ dàng đón nhận nhau hơn.

Khi về Việt Nam, tôi chỉ có trong tay kinh nghiệm, còn phải xây dựng mọi thứ từ đầu. Tôi chụp cho người nọ người kia, tặng không sản phẩm, kết hợp với những studio/ekip nổi tiếng, chăm chỉ và chịu khó để tạo tên tuổi từng chút một. Nếu chỉ đi chụp sự kiện, chụp những phóng sự cưới thì có thể kiếm tiền rất nhanh nhưng tôi cảm giác mình sẽ không thể phát triển được, vì vậy, tôi chọn cho mình con đường chụp ảnh nhân vật và thời trang.

Tôi thích nắm bắt khoảnh khắc xuất thần của nhân vật, thích tìm hiểu về họ và xây dựng được một hình ảnh phù với nhân vật. Dù chỉ trong studio nhưng với sự sáng tạo của bản thân, với cách bối trí theo từng concept, mỗi nhân vật sẽ có một sức sống khác trong những bức ảnh.

Có thể cũng là một cái duyên nhưng tôi chủ yếu chụp cho nhân vật nữ nhiều hơn nam. Ở Việt Nam không có quá nhiều nhiếp ảnh nữ, đơn giản vì đây là một công việc không ổn định, lại vất vả về mặt thể chất. Nhưng khi là nữ, các nhân vật thoải mái với tôi hơn. Có những shoot hình khá nhạy cảm và vì là phụ nữ với nhau, tôi biết cách “bảo vệ” cho nhân vật của mình. So với nhiếp ảnh gia nam thì góc nhìn của nhiếp ảnh gia nữ có vẻ mềm mại, mang nhiều tình cảm nhưng cũng có sự gai góc, mạnh mẽ giống “bông hồng có gai” vậy.

Việc chụp cho những nghệ sĩ cũng có cái khó riêng vì họ đã có hình ảnh vững chắc trong lòng khán giả rồi. Bởi vậy tôi phải làm sao dung hòa được góc nhìn của mình và định hướng hình ảnh của họ. Ví dụ chụp Chi Pu thì phải gợi cảm, chụp Hoa hậu thì phải kín đáo nhưng sexy, an toàn đến chừng mực nào để mình cảm thấy mình thỏa mãn được cái tôi của mình.

Tôi cũng không thích chụp giống người khác hoặc lặp lại bản thân mình, nên chỉ khi nghĩ ra ý tưởng, tôi mới nhận lời chụp.

Bây giờ, khi đã xây dựng được thương hiệu gắn với ảnh chân dung và thời trang, tôi muốn mở rộng lĩnh vực của mình hơn. Sẽ không chỉ gói gọn trong việc là một nhiếp ảnh gia, tôi muốn mình sẽ trở thành nhà sản xuất hình ảnh cho các thương hiệu, doanh nghiệp, trở thành một Đạo diễn hình ảnh, Đạo diễn sáng tạo. Để có thể làm được điều đó, tôi cần phải luyện tập tay nghề và học tập nhiều hơn. Khi có thời gian, tôi cũng sẽ trở lại Đức để hoàn tất việc học và lấy bằng tốt nghiệp./.

No comments

Trung Tam Day Nghe Toc | Day Nghe Toc Gia Re | Hoc Cat Toc Ha Noi | Day Cat Toc Gia Re | Hoc Cat Toc | Hoc Cat Toc Co Ban | Hoc Vien Toc | Hoc Vien Toc Ha Noi | Day Cat Toc Nam Ha Noi | Day Cat Toc Nu Ha NoiDay Cat Toc Gia Re | Học Viên Tóc Hà Nội | Học Cắt Tóc Tại Hà Nội | Nên Học Cắt Tóc Ở Đâu | Địa Chỉ Dạy Cắt Tóc | Trung Tam Day Nghe Toc Tai Ha Noi | Truong Day Cat Toc Ha Noi | Hoc Cat Toc Nam O Ha NoiHọc Cắt Tóc Ở Hà Nội | Dạy Nghề Uy Tín | Học Nghề Cắt Tóc Ở Đâu | Học Viên Tóc Hà Nội | Học Cắt Tóc Uy Tín Hà Nội | Hoc Cat Toc Chi Phi Thap | Day Cat Toc Co Ban Ha Noi

Day Nghe Toc Gia Re / Hoc Cat Toc Tai Ha Noi / Tin Tuc Game Hot