Đã đến lúc sao Việt cần lập quỹ từ thiện độc lập để xóa bỏ lùm xùm chuyện "sao kê"?
Từ cách làm của Quỹ từ thiện "Hạt vừng"
Tháng 7/2021, Quỹ "Hạt vừng" đã ra đời với sự sáng lập của 5 thành viên là nhà báo Bùi Ngọc Hải, nhà văn Hoàng Anh Tú, đạo diễn Việt Tú, nhà báo Trần Mai Anh, nhà báo Trương Anh Ngọc. Hoạt động của "Hạt vừng" là phát động cuộc quyên góp để mua máy thở cho TP.HCM trong những ngày nơi đây trở thành tâm dịch Covid-19. Tính tới ngày 26/8, Quỹ "Hạt vừng" đã quyên góp được hơn 12 tỷ đồng, trao tặng 124 máy thở; 238 bộ vật tư tiêu hao; 90 máy tạo oxy và 50 máy monitor cho 44 cơ sở y tế tại TPHCM, Long An, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội.
Trao đổi với PV Dân Việt về cách hoạt động của Quỹ "Hạt vừng", nhà báo Bùi Ngọc Hải cho biết: "5 thành viên sáng lập chúng tôi đã quyết định phương châm hành động của Quỹ là: Minh bạch - Tận tâm - Tốc độ và Vô danh vô lợi.
Điều đầu tiên là chúng tôi không dùng tài khoản cá nhân để kêu gọi ủng hộ, vì sẽ rất khó tách bạch đâu là tiền riêng, đâu là tiền từ thiện. Chúng tôi dùng tài khoản tập thể và tài khoản này chỉ dùng riêng cho từ thiện. Thứ hai, mọi khoản tiền đóng góp, chúng tôi đều sao kê cập nhật lên fanpage Quỹ Hạt Vừng và Facebook cá nhân các thành viên.
Thứ 3, mọi hoạt động trao nhận đều công bố rõ ràng hàng ngày trên Fanpage và Facebook để ai cũng biết. Thứ 4, tất cả mọi hợp đồng mua máy móc, thư cảm ơn của các bệnh viện khi nhận máy móc, chúng tôi đều tập hợp và lưu giữ.
Thứ 5, nhóm rất nỗ lực để tìm mua thiết bị y tế với giá rẻ nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng chuyên môn (nhờ chính chuyên gia y tế thẩm định), để đồng tiền đóng góp của các nhà hảo tâm phát huy được hiệu quả cao nhất.
Và cái cuối cùng, khiến nhà hảo tâm tin tưởng chúng tôi, chính là thái độ. Chúng tôi biết ơn những tấm lòng thiện nguyện vô cùng, vì chính họ đã tiếp năng lượng và thúc giục chúng tôi không dừng lại".
Khi sự chuyên nghiệp được thể hiện bằng con số
Bên cạnh "Hạt vừng", đã có không ít quỹ từ thiện nhận được sự ủng hộ của cộng đồng trong thời gian dài nhờ hoạt động chuyên nghiệp, công khai trong việc tổ chức, thu chi.
Quỹ từ thiện "Cơm có thịt" của nhà báo Trần Đăng Tuấn ra đời từ năm 2011. Sau 10 năm, quỹ đã triển khai hàng loạt dự án lớn cho học sinh nghèo vùng cao cũng như những hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. Ngay trên trang chủ của "Cơm có thịt", dễ thấy thông tin số tài khoản quyên góp, số tiền thu, chi và từng giao dịch ủng hộ được thông báo chi tiết. Những thông tin được công khai bao gồm: số tiền, nội dung chuyển khoản và ngày giờ tiền được chuyển vào quỹ. Báo cáo về các đợt hoạt động đi kèm phiếu chi cũng được cập nhật liên tục.
Quỹ "Hiểu về trái tim" do nam diễn viên Chi Bảo làm chủ tịch quỹ cũng đi được một hành trình dài với số tiền quyên góp lên tới 70 tỷ và hơn 35.000 hoàn cảnh được hỗ trợ. Đã có rất nhiều nghệ sĩ dùng hình ảnh của mình để đồng hành cùng "Hiểu về trái tim" như: Đoan Trang, Bình Minh, Trương Ngọc Ánh, Diễm My…
Họ trở thành đại sứ trong các hoạt động của "Hiểu về trái tim", kêu gọi mọi người ủng hộ quỹ thay vì tự tay hô hào đóng góp vào tài khoản cá nhân của mình. Trên trang chủ của quỹ có báo cáo tài chính theo từng năm, trong đó ghi rõ khoản tiền chi cho các hoạt động từ thiện, chi phí quản lý quỹ, thuê trụ sở, văn phòng cũng như tiền thuê nhân sự.
Lập quỹ từ thiện không đơn giản, nhưng là việc cần làm!
Chia sẻ với PV Dân Việt, chuyên gia truyền thông - văn hóa Nguyễn Đình Thành cho rằng: "Với sự ảnh hưởng với xã hội của mình, nghệ sỹ rất nên tham gia vào các cuộc vận động giúp đỡ người khác và làm xã hội tiến bộ hơn. Tuy nhiên, làm thiện nguyện là việc không dễ: cần phải có hiểu biết về pháp luật trong lĩnh vực tài chính, tổ chức giúp đỡ người khác, giao thông, vận hành, logistic, tâm lý vùng miền, tâm lý xã hội, khả năng phân tích tình huống và thông tin nhận được, các quy định về thuế...
Chỉ đơn cử là nếu không minh bạch và chỉ rõ các nguồn thu, nghệ sỹ sẽ phải mất rất nhiều thời gian để giải trình thu nhập với các cơ quan thuế. Bởi với số tiền hàng tỷ đồng thậm chí hàng trăm tỷ đồng, nghĩa vụ giải trình thu nhập cá nhân với các cơ quan thuế đòi hỏi nhiều thời gian và sự chi tiết.
Tôi thực sự không biết các nghệ sỹ đã nhận tiền giải trình với cơ quan thuế như thế nào với số tiền được chuyển vào tài khoản của họ bởi mọi nguồn tiền vào tài khoản từ mấy trăm nghìn trở lên đã phải giải trình với cơ quan thuế. Không bao giờ nên tiếp nhận tiền từ thiện vào tài khoản cá nhân của mình.
Cách tốt nhất theo tôi là nghệ sỹ nên vận động hướng đóng góp từ thiện, thiện nguyện vào các tổ chức từ thiện, tình nguyện chuyên nghiệp và chính thống của Việt Nam. Làm như thế vừa giúp được nhiều người và cũng cho thấy một sự đóng góp cho xã hội. Nếu muốn có sự ghi nhận thì có thể đưa ra mã đóng góp bắt đầu bằng tên của mình. Do đó, việc thống kê ghi nhận sự đóng góp cũng dễ dàng hơn.
Nếu thực sự muốn lập quỹ thì nên tìm hiểu quy định pháp luật đã được quy định rõ trong nghị định 93/2019/nđ-cp về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Tất nhiên để làm chuyên nghiệp thì cũng phải bỏ ra rất nhiều công sức. Thế nên nghệ sỹ nên suy nghĩ kỹ, có sự chuẩn bị và phối hợp cùng nhiều nghệ sỹ nữa để mở quỹ từ thiện".
Là chủ tịch của một quỹ từ thiện lớn, nam diễn viên Chi Bảo cũng khẳng định: "Làm từ thiện nghiệp dư và không thường xuyên sẽ vận hành theo cách của nó, các vấn đề phát sinh phải được nhìn nhận đúng với tên gọi và tính chất của nó, đừng làm thì nghiệp dư mà yêu cầu kết quả chuyên nghiệp. Vậy, ở Việt Nam có thể phát triển loại hình làm từ thiện chuyên nghiệp được không?
Có thể phát triển, nhưng nó không dành cho cá nhân mà phải là một tổ chức. Nếu bạn là một cá nhân có thể bỏ ra một khoản tiền hàng tháng, hàng năm để đủ vận hành một tổ chức để chuyên làm từ thiện thì bạn có thể làm được, nhưng rất ít có các cá nhân như vậy".
Sau những lùm xùm liên tiếp liên quan đến các hoạt động từ thiện cá nhân và mang tính tự phát, có lẽ đã đến lúc các nghệ sĩ cũng như những nhà hảo tâm trong xã hội cần nghĩ tới việc sáng lập hoặc đơn giản hơn là tham gia ủng hộ một quỹ từ thiện sẵn có (bằng tài chính, hình ảnh, sự vận động quyên góp)…
Không chỉ giúp các nguồn thu, chi được minh bạch, rõ ràng, việc tạo lập quỹ từ thiện còn góp phần loại trừ các hành động mang tính cảm xúc, bốc đồng – điều thường thấy ở các hoạt động từ thiện cá nhân. Các cuộc tranh cãi về việc nghệ sĩ A trao cho hoàn cảnh này quá nhiều tiền, hoàn cảnh kia quá ít, hoặc nghệ sĩ B lấy tiền ủng hộ bão lụt để giúp bệnh nhân mổ tim sẽ không còn tồn tại.
Cũng phải nói thêm rằng, không ít quỹ từ thiện tại nước ngoài cũng như ngay ở Việt Nam cũng đã và đang gặp phải những nghi vấn trong việc gian lận tài chính. Ngay cả những ngôi sao lớn như Lady Gaga, Kim Kardashian cũng vướng ồn ào bởi những bản "sao kê" nhiều nghi vấn hoặc sử dụng tiền quyên góp không hiệu quả. Bởi vậy, lập quỹ từ thiện là việc cần làm, nhưng để làm từ thiện chuyên nghiệp, trong sạch và hiệu quả vẫn là một câu chuyện dài, phụ thuộc vào chính những người đứng ra huy động.
Nhà báo Bùi Ngọc Hải, đồng sáng lập quỹ "Hạt vừng" khẳng định: "Tại Việt Nam, thủ tục lập một Quỹ từ thiện vẫn hơi mất thời gian. Nhưng xét lại thì cái gì cũng có hai mặt, dễ quá chưa chắc đã tốt. Rất nhiều người làm việc thiện theo cảm hứng, cảm xúc, yêu ghét... trong khi việc thiện nguyện đòi hỏi tỉnh táo, bền bỉ, tận tâm. Nếu rút ngắn thời gian và thủ tục, thì cần tăng cường các biện pháp giám sát để chấn chỉnh những lệch lạc không đáng có".
No comments