Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: "Tôi không xoáy vào nỗi đau của nhân vật để tăng hấp dẫn cho Ranh giới"
Có nhiều người rằng phần kết của phim tài liệu Ranh giới, nếu để cho bác sĩ, điều dưỡng viên hoặc nữ hộ sinh nói một điều gì đó về "cuộc chiến" mà họ đang trải qua thì sẽ hay hơn trích dẫn câu nói của nhà văn Nguyễn Khải. Anh nghĩ sao về ý kiến này?
- Điều này phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người thôi. Giống như đọc một bài thơ, mỗi người sẽ cảm nhận dưới một góc độ khác nhau. Ở bộ phim này, tôi cũng đã nghĩ rất nhiều phương án để truyền tải tốt nhất thông điệp mình mong muốn.
Sở dĩ tôi đưa câu văn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Khải trong tác phẩm "Mùa lạc": "Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy!" và nhờ nữ hộ sinh đọc là có chủ ý.
Nếu chúng ta theo dõi kỹ, ngay từ đầu phim, nữ hộ sinh này đã nói: "Tôi nghĩ, những gì chúng tôi đang trải qua là ranh giới của sự chịu đựng". Tức là tưởng chừng như họ không vượt qua nổi những ngặt nghèo của dịch bệnh trong môi trường công việc nhưng cuối cùng họ đã mạnh mẽ vượt qua.
Ở phần giữa phim, đặc biệt là sau cái chết của một sản phụ thì sự hụt hẫng, sự bất lực của các y bác sĩ trào dâng. Nhiều người khóc nghẹn, nói rằng: "Ranh giới giữa sống – chết quá mong manh. Điều này càng khiến con người ta sống tử tế và mạnh mẽ hơn".
Sau câu nói đó, tôi thấy người ta vẫn tiếp tục công việc của họ. Nói đúng hơn là họ không thể bỏ được công việc mình đang làm bởi nếu bỏ, ai sẽ cứu chữa cho các thai phụ, bệnh nhân. Trong họ luôn xác định đây là công việc mà mình phải làm.
Nhưng mọi người xem phim sẽ thấy, họ không chỉ vượt qua được ranh giới của công việc mà họ còn vượt qua được cả ranh giới đời thường. Họ trở thành những người thân của bệnh nhân khi chải tóc, bón cháo, vệ sinh, trò chuyện, an ủi, vỗ về… cho bệnh nhân. Rõ ràng, ở đây còn có một ranh giới nữa đó là ranh giới của sự tử tế, của tình thương yêu, của nghị lực, của sự dũng cảm, của sự lao động quên mình.
Ở phần cuối phim là những hình ảnh đan cài. Chúng ta thấy hình ảnh em bé ra đời, thể hiện cho một sức sống mới. Nhưng cũng có hình ảnh nữ hộ sinh và con trai lại bị nhiễm Covid-19. Liệu cái nhiễm đó có làm cho bạn ấy buồn bã và chùn bước không? Trong đoạn đối thoại với con, con trai bạn ấy không bảo đầu tiên thì sợ nhưng sau đó lại không. Có thể cậu bé thấy mẹ làm trong ngành y nên vững tâm hơn.
Nữ hộ sinh cũng nói chuyện với một bạn tình nguyện viên vừa mới tốt nghiệp đại học. Cô ấy hỏi bạn tình nguyện viên: "Là con một mà cũng xung phong ra trận à?". Bạn tình nguyện viên hỏi lại nữ hộ sinh "Chị có thấy buồn không?", nữ hộ sinh trả lời: "Có buồn nhưng không phải buồn vì mắc Covid-19 mà vì mới cống hiến được mấy tuần, trong khi công việc ở bệnh viện đang rất bộn bề. Giờ chỉ mong sao sớm khoẻ để về tiếp tục công việc".
Nghe câu nói đó để thấy được tinh thần của đội ngũ y bác sĩ trong công cuộc phòng chống dịch. Và rộng hơn là tinh thần chống dịch của người dân Việt. Đó là lí do tôi nhờ nữ hộ sinh đọc câu của nhà văn Nguyễn Khải chứ không phải ai khác.
Thực ra, câu nói của nhà văn Nguyễn Khải đặt trong ngữ cảnh này không mang tính giáo điều mà là một sự tổng kết. Tôi không nói câu nói đó nâng tầm cho bộ phim mà gói trọn toàn bộ nội dung phim muốn truyền tải.
Đa phần các phim anh thực hiện đều đi sâu vào khai những thân phận mang nhiều góc khuất không dễ thấy. Phải chẳng vì bản thân anh cũng có những góc khuất của riêng mình nên dễ đồng cảm hơn với những cảnh đời, những thân phận, những nỗi buồn?
- Phim tài liệu là bắt nguồn từ cuộc sống và mang hơi thở của cuộc sống rất đậm đặc. Cuộc sống lại mang tính muôn mặt đời thường với rất nhiều cảm xúc khác nhau. Không phải là tôi muốn xoáy vào nỗi đau của người khác để đưa vào phim cho cuốn hút, hấp dẫn hơn đâu mà cuộc đời con người luôn tồn tại nhiều mặt chìm nổi. Đó là nỗi buồn, niềm đau, niềm vui, hạnh phúc… tất cả những cái đó được đan xen với nhau.
Trong mỗi chúng ta, nỗi buồn đan xem với niềm vui, nỗi đau quyện hoà với hạnh phúc. Hai thứ này bổ trợ cho nhau để tạo nên một cuộc đời, một số phận. Chính vì thế, khi tôi đi vào khai thác nỗi buồn hoặc sự hà khắc của cuộc sống cũng chỉ để làm nổi bật cái cuối cùng là tình người.
Sự thương yêu của mọi người xung quanh sẽ nuôi dưỡng mỗi con người Việt Nam. Và sự yêu thương ấy sẽ tạo nên sự cố kết, tương thân tương ái của một cộng đồng và cao hơn là tạo nên một tinh thần dân tộc để luôn hướng tới một những điều tốt đẹp.
Anh nghĩ gì về sự hy sinh và sự dấn thân của những người làm phim tài liệu trong những ngày dịch bệnh?
- Tôi xác định, đã mang sứ mệnh của một phóng viên thì dấn thân và hy sinh là điều không tránh khỏi khi làm nghề. Thực ra, tôi muốn làm bộ phim này kỹ hơn, sâu hơn, đa chiều hơn… để truyền tải nhiều câu chuyện hơn. Nhưng đội ngũ y tế khuyên tôi đã vào bệnh viện 15 - 16 ngày rồi, rất dễ bị lây nhiễm nên dừng lại.
Bản thân tôi, khi theo nghề báo truyền hình thì đã xác định dấn thân và đi tới cùng sự việc. Thậm chí, tôi phải luôn mang trong mình tinh thần của một chiến sĩ trên mặt trận thông tin. Và khi đã xây dựng lập trường đó thì sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Với bộ phim về dịch Covid-19, tôi muốn đặt mình vào vị trí quan sát ở trung tâm của dịch bệnh, mà muốn như thế là mình phải dấn thân. Nhưng đã ở trong đó rồi vẫn chưa đủ, mình cần có cả sự đồng cảm, thử đặt mình nếu mình đang ở vị trí người bệnh, đang nằm trên giường bệnh thế kia sẽ thế nào. Đó là lý do tôi phải tách bạch cảm xúc và lý trí cả khi qua, khi dựng…
No comments