Có nên xóa bỏ việc dùng tài khoản cá nhân để kêu gọi từ thiện?
MC Tùng Leo: Làm từ thiện cần niềm tin và sự chuyên nghiệp
Chia sẻ quan điểm về vấn đề nghệ sĩ làm từ thiện, MC Tùng Leo trả lời Dân Việt: rằng: "Ngay từ khi còn đi học, tôi đã ý thức rằng công tác cộng đồng, thiện nguyện là trách nhiệm của mỗi công dân. Nên tôi nghĩ tôi và rất nhiều công dân khác đã làm điều này, tự nhiên và thường xuyên từ bao lâu nay, dưới nhiều hình thức khác nhau. Và riêng trong trận dịch lịch sử này, tôi đã làm theo cách của mình. Chúng tôi đóng góp ngày công lao động, phân công tham gia Siêu thị 0 đồng và làm công tác tuyên truyền.
Điều tôi muốn chia sẻ nhất đó chính là niềm tin và sự chuyên nghiệp ngay từ chính những người làm từ thiện. Chúng ta phải tin vào các tổ chức lớn, cùng họ làm công tác thiện nguyện để giảm thiểu những rủi ro không đáng có. Ví dụ: Siêu thị 0 đồng trong thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ, tham gia, lan tỏa của riêng giới nghệ sĩ đã lên tới 70 người.
Chúng ta cùng nhau, tin tưởng nhau, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương, chúng ta làm từ thiện rất "khỏe". Đương nhiên, giá trị của tên tuổi không đi kèm theo những điều trên. Các nghệ sĩ đang làm cùng Siêu thị 0 đồng đều rất âm thầm đóng góp, không quay phim, livestream, không nói bất cứ gì. Những gì cần truyền thông đã có đơn vị chuyên nghiệp thực hiện".
Trước những lùm xùm hiện nay liên quan đến nghệ sĩ, MC Tùng Leo cho rằng nghệ sĩ cũng phải tự nhìn lại mình. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Chính lâu nay chúng ta hay xem "nghệ sĩ" là một tính từ chỉ sự lãng mạn để lơ mơ, chỉ sức mạnh cảm xúc để không dùng lý trí, để tự do mà thiếu kiểm soát, để thoải mái mà không đề cao sự chuyên nghiệp.
Hàng loạt chuyện xảy ra khiến công chúng mất lòng tin thì nghệ sĩ không thể tiếp tục được yêu quý. Một phần khác, nghệ sĩ có phần bề nổi của cuộc sống quá sung sướng, giàu có, hay khoe mẽ làm người khác một mặt khát khao, một mặt ức chế và nghi ngờ. Sai và trái với đạo đức thì phải lên án dẫu là cá nhân nào để mọi người phải ý thức với trách nhiệm của mình, nhiều khi, phải thấy sai để còn sửa.
Chuyên gia Lê Ngọc Sơn: Làm từ thiện cần tính chuyên nghiệp
Chia sẻ với Dân Việt, chuyên gia Lê Ngọc Sơn, nhà sáng lập Hãng Xử lý Khủng hoảng BCS – Berlin Crisis Solutions cho rằng, việc nhiều người lựa chọn làm từ thiện qua tài khoản cá nhân của các nghệ sĩ cho thấy xã hội bị khủng hoảng niềm tin. Những người làm từ thiện không còn tin vào các tổ chức từ thiện công, truyền thống nữa, nên mới tìm đến các sao giải trí. Sự trôi dạt niềm tin của công chúng đi từ chỗ A sang chỗ B.
Tưởng rằng, đó là chỗ nương tựa, trú ngụ an toàn của niềm tin vào sự thiện lương. Nhưng càng gửi, nghệ sĩ càng giàu lên và niềm tin càng lại xói mòn. Giờ A cũng không tin được, B cũng chẳng đáng tin. Những người gửi tiền ê chề nhận ra, "tránh vỏ dưa, gặp phải vỏ dừa". Theo chuyên gia Lê Ngọc Sơn, không thể xem thường vụ lùm xùm tiền từ thiện, sao kê chiếu mệnh các sao giải trí, bởi bản chất của nó là một khủng hoảng xã hội.
Trước việc các cá nhân nghệ sĩ đứng ra kêu gọi và làm từ thiện, chuyên gia Lê Ngọc Sơn khẳng định tính tích cực của việc này thời gian vừa qua. Các nghệ sĩ đã phần nào giúp cho xã hội có được những sự hỗ trợ cần thiết trong những tình huống khẩn cấp.
Họ là những KOLs truyền cảm hứng chia sẻ trách nhiệm xã hội tới cộng đồng. Nhưng ông Lê Ngọc Sơn cũng khẳng định, việc công chúng nghi ngờ về chuyện từ thiện của giới nghệ sĩ là có lý do, nó xuất phát từ yếu tố thiếu minh bạch của những nghệ sĩ làm từ thiện qua tài khoản cá nhân.
Người gửi tiền có quyền đặt ra câu hỏi tiền của mình có được sử dụng đúng mục đích và đối tượng cần không. Những thắc mắc của công chúng ở đây là chính đáng và mang tính dân sự. Nghệ sĩ nhận tiền để làm từ thiện cũng có trách nhiệm phải giải trình một cách thuyết phục.
Chuyên gia Lê Ngọc Sơn cho rằng, các nghệ sĩ nếu thấy mình trong sáng nên thuê công ty kiểm toán độc lập và đơn vị này chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật. Nếu không chọn cách đơn giản nhất, theo ý kiến cá nhân, ông Lê Ngọc Sơn cho rằng, các nghệ sĩ như trường hợp Trấn Thành, hẳn phải có việc tạm thời "khó nói".
Chủ động công bố, minh bạch thông tin ngay từ đầu là cách duy nhất để tránh nghi ngờ, không làm cho câu chuyện đi xa và mệt mỏi như đang diễn ra. Nghệ sĩ nên chủ động minh bạch tránh cho chính mình lún sâu hơn vào khủng hoảng và càng làm xã hội mất niềm tin.
"Vấn đề không phải là từ thiện bằng tài khoản cá nhân hay không mà là việc làm từ thiện cần mang tính chuyên nghiệp. Làm từ thiện qua hình thức nào, cá nhân hay lập quỹ mang tên ai đó như Thủy Tiên hay Trấn Thành … thì vẫn phải hoạt động theo những quy định của pháp luật về hoạt động thiện nguyện và sẽ tránh được mớ bòng bong mà các nghệ sĩ đang gặp phải như hiện nay" – chuyên gia Lê Ngọc Sơn kết luận.
TS Trần Kiên: Tài khoản cá nhân để kêu gọi từ thiện cần soi chiếu dưới những quy định của luật pháp
Trước câu hỏi có nên xóa bỏ việc sử dụng tài khoản cá nhân để kêu gọi từ thiện hay không, TS. Trần Kiên - Giảng viên khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã Hội ISDS trả lời Dân Việt rằng: "Trước khi nhận định có nên sử dụng tài khoản cá nhân để kêu gọi từ thiện hay không thì cần soi chiếu hoạt động đó dưới những quy định của luật pháp.
Cần xác định bản chất của hoạt động từ thiện từ góc độ pháp luật, qua đó mới có thể xác định các quy định của luật pháp liên quan đến hoạt động từ thiện. Từ đó, chúng ta mới có thể xác định các hoạt động kêu gọi từ thiện nên được thực hiện như thế nào cho đúng pháp luật.
Trên phương diện cá nhân, TS. Trần Kiên cho rằng, hoạt động từ thiện là hoạt động giữa các chủ thể tư với nhau. Những chủ thể này vì mục đích nào đã đã có sự kết hợp, trao đổi, chia sẻ các phương tiện vật chất như tiền bạc, lương thực hay nói cách khác là tài sản với nhau để trao tặng, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
Từ góc nhìn đó, TS. Trần Kiên cho biết, có thể xác định hoạt động từ thiện là hoạt động quan hệ dân sự, chịu sự điều chỉnh chủ yếu của pháp luật dân sự mà chủ yếu và thường xuyên là Bộ luật Dân sự. Trong đó, các chủ thể luật được phép làm những gì pháp luật không cấm.
Các nguyên tắc cốt lõi của pháp luật dân sự là chủ thể được làm tất cả những gì luật không cấm trên cơ sở tự do ý chí, tự do định đoạt. Như vậy, có thể thấy rằng, các chủ thể quan hệ với nhau thông qua những giao dịch dân sự mà chủ yếu là hợp đồng liên quan đến việc tặng cho hoặc sử dụng tài sản để hỗ trợ cho các đối tượng thiệt thòi, khó khăn cần được hỗ trợ trong xã hội.
Có thể thấy, hoạt động từ thiện diễn ra dưới rất nhiều hình thức: Chủ thể (cá nhân, pháp nhân) hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng; Chủ thể hỗ trợ cho đối tượng thông qua các cá nhân trung gian; Chủ thể hỗ trợ cho đối tượng thông qua các tổ chức trung gian... Đối với hai hình thức từ thiện đầu tiên, không có quy định nào cấm các cá nhân sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân để chuyển, nhận tiền từ thiện cả.
Theo TS. Trần Kiên, với những chủ thể lựa chọn thực hiện hoạt động từ thiện thông qua một tổ chức, họ có thể thành lập các quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo các quy định của Bộ luật Dân sự và nhất là Nghị định 93/2019/NĐ - CP hướng dẫn chi tiết Bộ luật Dân sự 2015 về quỹ xã hội, quỹ từ để nhận quyên góp, tài trợ và tổ chức các hoạt động từ thiện.
Tùy quy mô và phạm vi hoạt động, các quỹ này sẽ được tạo điều kiện cấp phép bởi Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ hoặc các cấp thấp hơn như huyện... Hoặc họ cũng có thể quyên góp tới các tổ chức trung gian như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ Thập đỏ ví dụ như quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Tuy nhiên, các chủ thể có quyền lựa chọn và không nhất thiết phải thực hiện theo mô hình đó.
Tuy nhiên, nếu lựa chọn từ thiện qua mô hình tổ chức như Quỹ từ thiện, các chủ thể có thể thành lập những đơn vị riêng, có quyền thành lập cơ cấu tổ chức, có con dấu và tài khoản ngân hàng của Quỹ riêng để nhận các khoản viện trợ để duy trì hoạt động thiện nguyện của mình.
Để mọi hoạt động từ thiện được diễn ra trọn vẹn, công khai và minh bạch, TS. Trần Kiên cho rằng: "Các chủ thể kêu gọi nên sử dụng một tài khoản riêng, biệt lập với tài khoản chi tiêu của cá nhân. Một ví dụ điển hình trong thực tế là trường hợp của ông Đoàn Ngọc Hải, đây là ví dụ tiêu biểu về việc dùng tài khoản biệt lập để kêu gọi từ thiện".
Bên cạnh đó, các chủ thể hoạt động từ thiện với tư cách cá nhân, sử dụng tài khoản cá nhân để tiếp nhận tiền quyên góp thì nên phải công khai minh bạch và có trách nhiệm giải trình với những người quyên góp cho mình.
Việc kê khai minh bạch các khoản thu chi sẽ góp phần thúc đẩy niềm tin của những chủ thể khác khi đã đóng góp cho khoản từ thiện, cũng như của xã hội với chính họ và các hoạt động cao đẹp này. Với những cá nhân thường xuyên tham gia từ thiện và coi từ thiện là hoạt động lâu dài, thậm chí là suốt đời thì nên lập quỹ theo đúng quy định.
Nói về hệ lụy của việc dùng tài khoản cá nhân để kêu gọi quyên góp từ thiện, TS. Trần Kiên cho rằng, việc đó có thể dẫn đến một số rủi ro pháp lý nếu như có các hành vi vi phạm tùy thuộc vào bản chất hành vi vi phạm và quy định pháp luật tương ứng.
Trong trường hợp hành vi vi phạm trong hoạt động từ thiện thì có khả năng phải gánh chịu một trong ba loại trách nhiệm pháp lí chính là: dân sự, hành chính, hình sự. Do từ thiện chủ yếu là quan hệ pháp luật dân sự trên cơ sở các giao dịch dân sự nên nếu có hành vi vi phạm thì các chủ thể tham gia giao dịch có thể áp dụng các phương thức, biện pháp bảo vệ quyền ví như tự bảo vệ hoặc khởi kiện, yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người vi phạm phải bồi thường, xin lỗi cải chính công khai và các chế tài liên quan khác.
Nghiêm trọng hơn, chủ thể vi phạm có thể đối mặt với trách nhiệm hình sự với các tội danh như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản (chú ý rằng Luật phòng chống tham nhũng 2018 đã mở rộng khái niệm tham ô sang cả các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước)... nếu hành vi của họ thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, việc chứng minh sẽ là do các cơ quan tố tụng tiến hành.
No comments