Breaking News

Nhật ký giãn cách: Định mệnh phận người không cho phép mình gục ngã

Nhật ký giãn cách: Sống trong tâm bão - Ảnh 1.

Nhà văn Bích Ngân. Ảnh: NVCC

Ngày...

Nhiều ngày qua, nhiều mất mát đau thương cứ nối tiếp nhau. 

Nhiều tháng qua, sống trong trạng thái căng như dây đàn trước bao nỗi lo buồn…cho đến tối qua, khi nghe tin nhà văn Nguyễn Quốc Trung không thắng nổi Covid-19, anh đã mất tại bệnh viện, tôi có cảm giác thân thể không tránh được những cú đấm khiến đau nhừ, mỏi mệt, dù không muốn cũng nằm vùi và mỏi mệt cho tới chiều nay. 

Chiều nay, vực tôi dậy chính là… sự sống của mấy củ hành ta. Và, điều tôi học được từ trận dịch khốc liệt này, có lẽ từ mầm sống của những củ hành. 

Trong status cách đây hơn mười ngày tôi có viết về việc những củ hành bị bỏ quên trong ngăn mát tủ lạnh, bất ngờ khi thấy chúng đồng loạt mọc mầm. Tôi đã mang chúng ra khỏi tủ lạnh. Rồi cho vào một chậu đất, rưới chút nước. Chúng vươn lên và tươi xanh cả tuần dưới ánh mặt trời. 

Rồi từ đó, ngày nào tôi cũng chọn ra những củ hành lên mầm và lại trồng xuống đất, chúng lại xanh tươi, bất chấp nắng hay mưa. 

Chiều nay, tôi thấy một chậu hành có dấu hiệu như người bị cảm, rũ xuống, mỏi mệt. Tôi bèn nhổ chúng khỏi đất và phát hiện là chỗ củ màu tím tím phình ra đã biến thành gốc hành, giống như cái gốc của hành lá. Hóa ra, chúng sống được, sống khỏe, sống tươi tốt là do dưỡng chất từ củ. Đất, nước, khí trời và nắng chỉ là những thành phần bổ trợ cho sự sống. Chúng vươn tươi tốt là từ chính mình. 

Tối nay, tôi cũng vừa nhắn tin hỏi thăm đứa em bà con trải qua cuộc đại phẫu thuật hơn 10 ngày qua. Do dịch bệnh, bệnh viện không cho người nhà theo cùng, cũng không cho người thân chăm sóc. Em đã được xe cứu thương của bệnh viện đưa về nhà. 

Em cho biết sức khỏe đã có chiều hướng ổn định. Em đã ăn được và cũng đã ngủ được. Tôi hỏi em, hiện nay ai chăm sóc em. Em nhắn: "Tự em chăm sóc". Rồi em nhắn thêm: "Một mình em lên mình lên xe cứu thương, một mình nhập viện, một mình lên bàn mổ, một mình chịu đựng…rồi một mình trở về nhà".

Nhật ký giãn cách: Sống trong tâm bão - Ảnh 2.

Ngày nào tôi cũng chọn củ hành lên mầm và trồng xuống đất. Ảnh: NVCC

Một mình, hai từ có lẽ là đúng nhất, đẹp nhất, đau nhất trong dịch bệnh kinh hoàng này. Một mình chịu đựng. Một mình vượt qua. Một mình lìa xa.

Một mình, khi vượt qua đại dịch, vẫn là hai từ vừa thiết thân vừa có giá trị với tất cả phận người dù sang hay hèn.

Một mình, chỉ một mình và dựa vào chính mình, như những củ hành tím kia, hồn nhiên tươi tốt cho đến khi dưỡng chất của chính mình cạn kiệt.

Ngày...

Trải qua không ít gai chông, đã ở vào cái tuổi ít nhiều có sự kiên định nội tâm và phần nào cũng đã có được cái trạng thái "không oán trời, không trách người". Nhưng rồi, ở trong tâm bão dịch bệnh suốt ba tháng qua, nhiều lúc tôi có cảm giác mình như rơi vào một vùng xoáy mà tứ bề không thấy đâu là bến đâu là bờ.

Nhiều ngày qua

tôi không thể rứt khỏi bão giông

ngay cả khi một mình ngồi thu lu trong thinh lặng…

Tôi đã viết như thế trong bài thơ "Định mệnh" dù chính mình cũng phải tự vực dậy:

Định mệnh phận người không cho phép mình

gục ngã.

Có lẽ ai ai cũng phải tự vực mình dậy mới có thể vượt qua cơn bão vẫn đang trên đường đi của nó với sức tàn phá kinh hoàng. Sức chống đỡ của con người có giới hạn. Còn sự hủy diệt của virus gây bệnh cho tới lúc này, vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, bất chấp nỗ lực đến cùng kiệt cùng của con người.

Không cho phép mình gục ngã. Tự nhủ và vươn lên. Cố gắng vươn lên bằng tất cả sự nỗ lực mà mình có thể có được.

Nhưng rồi, chiếc áo mạnh mẽ, cứng cáp đó không ít lần bị ướt sũng bởi những... cơn mưa nước mắt. Cả nước mắt khô, những giọt nước mắt đã tự cạn kiệt trong nỗi đau cháy cong nứt nẻ.

Mẹ của em dâu tôi. Người mẹ tảo tần nuôi cả đàn con. Người mẹ ấy được đưa vào bệnh viện cấp cứu sau khi thấy khó thở. Hai giờ sau, bệnh viện gọi báo, bà mẹ vĩnh viễn rời xa các con. Chín đứa con, mỗi người một góc tối, nén tiếng kêu trời.

Hai người dì của một đứa em thân thiết. Hai chị em người dì cùng nhập viện. Người chị mất trước một tuần. Gia đình chưa kịp nhận được hũ tro cốt thì sáng nay, em gọi cho tôi: "Chị ơi, em nghe một bác sĩ của bệnh viện báo dì của em ra đi lúc 0 giờ 35. Nhưng gia đình vẫn hy vọng là báo nhầm vì cho tới giờ bệnh viện vẫn chưa gọi báo tin cho gia đình biết".

Rồi, vài tiếng trước, em nhắn cho tôi: "Dì em mất rồi, chị ơi!".

Sau khi nhắc lại những kỷ niệm về người dì, em chợt nói: "Sau dịch, mới biết được ai còn, ai mất".

Thoạt nghe, giật mình. Bình tĩnh, thấy câu em nói đúng trong bối cảnh nghiệt ngã này.

Rồi chiều nay, nghe tiếng gọi ngoài cổng. Tôi chạy ra. Chị tổ trưởng đưa túm trái cây được phân phát cho từng nhà, kèm theo thông báo: "Nhà bên cạnh, hôm qua xét nghiệm, cả nhà dương tính, sáng nay họ hốt cả gia đình vô bệnh viện rồi".

Sáng hôm qua tôi còn thấy cậu chủ nhà lúi húi tưới nước cho cây. Chậu địa lan cậu ấy bê sang tặng tôi mấy tháng trước đang trổ bông hoa đầu tiên, trắng muốt.

Ngày...

Không cho phép mình gục ngã. Tự nhủ và vươn lên. Cố gắng vươn lên bằng tất cả sự nỗ lực mà mình có thể có được. Nhưng rồi, chiếc áo mạnh mẽ, cứng cáp đó không ít lần bị ướt sũng bởi những cơn mưa nước mắt, cả nước mắt khô, những giọt nước mắt đã tự cạn kiệt trong nỗi đau cháy cong nứt nẻ.

Mình thường không nghe rõ tiếng mình. Mình thường lờ mờ nhận ra chân tướng mình. 

Mình lại hay ảo tưởng về mình. Đủ thứ ảo tưởng: Nhan sắc (dù ba mươi cái xuân xanh trước, ai cũng có, tuổi trẻ luôn là nhan sắc), tài năng (được thổi phồng hay tự bơm phồng) và một tỉ thứ ảo tưởng to đùng khác, kể cả ảo tưởng là "con covid" nó... sợ mình, sợ cả cái con hẻm có bóng dáng mình cầm chổi quét lá rụng và gom lá rụng mỗi ngày...  

Nghe theo sự chỉ dẫn của một bác sĩ đông y tôi ra cửa hiệu mua thuốc về xông, xông cả tỏi theo hướng dẫn của chị Nguyễn Bính Hồng Cầu và chuẩn bị tinh thần để tự bảo vệ mình…

"Con covid" nó còn khiến con người ta bớt đi ảo tưởng về mình. Cũng như thêm lời lý giải vì sao lịch sử văn học thế giới dấu ấn về tác phẩm văn chương của các nhà văn vốn là thầy thuốc lại sâu đậm như thế!

Không hiểu rõ từng tế bào tế vi cơ thể thì khó mà viết hay về những tế bào tinh tế của tâm hồn. 

Nhật ký giãn cách: Sống trong tâm bão - Ảnh 4.

Một bài thơ viết trong những ngày giãn cách của nhà văn Bích Ngân

***

Nhiều tháng qua, "sống" trong vùng dịch là sống trong phập phồng, hoang mang, lo sợ, chờ đợi và chống đỡ nhiều áp lực, nhiều khó khăn và thương tâm nhất, dày vò nhất là mất mát đau thương do dịch bệnh đã cướp đi hơn một vạn sinh mạng, hàng ngàn người đang nằm trong các trung tâm hồi sức, nặng và rất nặng; hàng chục ngàn người đang chữa trị; hàng trăm ngàn người ngàn người vượt khỏi bàn tay tử thần… với nỗ lực chiến đấu quyết liệt của biết bao nhiêu người. 

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đến kiệt cùng của người dân thành phố, của chính quyền các cấp và sự chia sẻ sức người sức của của cả nước, tang thương đã và đang trùm xuống biết bao gia đình, bao mái nhà.  Nhiều tháng qua, tôi không dám rời chiếc điện thoại. Phập phồng, hồi hộp, đợi chờ. Đợi từng bản tin về dịch bệnh với hy vọng sẽ giảm ca nhiễm, giảm tử vong. 

Chờ cuộc gọi, cuộc nhắn tin từ bè bạn đang có người thân là bệnh nhân Covid-19. Chờ từng đợt test. Chờ kết quả. Chờ câu trả lời của những bác sĩ quen ở một vài bệnh viện tuyến đầu. Chờ tin nhắn của bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị cho người thân quen, cho đồng nghiệp. Và, căng người chờ cả tin xấu.  

Nhật ký giãn cách: Những ngày đang sống – nơi đăng tải những câu chuyện, những suy nghĩ, những cảm xúc của mỗi người về những ngày đang sống giữa đại dịch Covid-19. Thư xin gửi về: camthuydv.ntnn@gmail.com

No comments

Trung Tam Day Nghe Toc | Day Nghe Toc Gia Re | Hoc Cat Toc Ha Noi | Day Cat Toc Gia Re | Hoc Cat Toc | Hoc Cat Toc Co Ban | Hoc Vien Toc | Hoc Vien Toc Ha Noi | Day Cat Toc Nam Ha Noi | Day Cat Toc Nu Ha NoiDay Cat Toc Gia Re | Học Viên Tóc Hà Nội | Học Cắt Tóc Tại Hà Nội | Nên Học Cắt Tóc Ở Đâu | Địa Chỉ Dạy Cắt Tóc | Trung Tam Day Nghe Toc Tai Ha Noi | Truong Day Cat Toc Ha Noi | Hoc Cat Toc Nam O Ha NoiHọc Cắt Tóc Ở Hà Nội | Dạy Nghề Uy Tín | Học Nghề Cắt Tóc Ở Đâu | Học Viên Tóc Hà Nội | Học Cắt Tóc Uy Tín Hà Nội | Hoc Cat Toc Chi Phi Thap | Day Cat Toc Co Ban Ha Noi

Day Nghe Toc Gia Re / Hoc Cat Toc Tai Ha Noi / Tin Tuc Game Hot