Diễn viên phụ để lại ấn tượng "cháy sóng" trong phim truyền hình Việt Nam
Nhiều năm trở lại đây, phim truyền hình đã lấy lại "phong độ hoàng kim" khi cho ra đời hàng loạt bộ phim gần gũi với đời sống, hấp dẫn và cuốn hút người xem. Đặc biệt, nhiều bộ phim như: "Sống chung với mẹ chồng", "Về nhà đi con", "Nhà trọ Balanha", "Hoa hồng trên ngực trái", "Hướng dương ngược nắng"... đã không chỉ tạo dấu ấn đặc biệt đối với các khán giả lớn tuổi mà còn lôi cuốn được rất nhiều khán giả trẻ.
Ở thời điểm hiện tại, bộ phim "Hương vị tình thân", "Cây táo nở hoa", "11 tháng 5 ngày" phát sóng khung giờ vàng cũng đang chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả. Thành công của các phim này, bên cạnh dàn diễn viên chính tài năng, không thể không kể đến lối diễn xuất đầy duyên dáng của dàn diễn viên phụ. Mỗi vai diễn, mỗi tính cách, mỗi kiểu tạo hình nhân vật... đều mang lại cho người xem những khoái cảm riêng biệt.
Trung "ruồi" vật lộn với vai Long "đần" trong "11 tháng 5 ngày"
Mới đây, nhân vật Long "đần" do Trung "ruồi" đảm nhận trong bộ phim 11 tháng 5 ngày được khán giả đánh giá cao. Diễn xuất của nam diễn viên trẻ nhanh chóng chinh phục người xem, đưa khán giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Cảnh Long "đần" tỏ tình trong phim 11 tháng 5 ngày khiến khán giả thích thú.
Chia sẻ với Dân Việt, nam diễn viên cho biết, vai diễn Long "đần" là một trải nghiệm hoàn toàn khác của anh kể từ khi tham gia nghiệp diễn xuất.
"Vốn dĩ luôn xuất hiện với các vai diễn có tình hài hước, tôi luôn mong nhận được vai diễn "khác màu". Nhân vật Long "đần" trong 11 tháng 5 ngày ban đầu tôi không mấy hứng thú, nhưng khi đọc kịch bản, hiểu được tính cách nhân vật này bi, hài đan xen, đặc biệt có nội tâm phức tạp khiến tôi "gật đầu cái rụp" và chấp nhận thử thách mới này", Trung "ruồi" nói.
Trung "ruồi" là diễn viên trẻ sinh năm 1993. Anh được biết tới qua nhiều vai diễn trong các phim ngắn hài hước. Khán giả yêu mến nam diễn viên này bởi lối diễn hài tự nhiên, mộc mạc và có duyên.
Nam diễn viên sinh năm 1993 cho biết, anh được phô diễn và rèn luyện kỹ năng diễn xuất vì bản thân nhân vật này có nhiều phân cảnh phức tạp, hài có, bi có khiến cho Trung "ruồi" luôn phải "nhức đầu" để tìm ra cách thể hiện đúng cung bậc cảm xúc nhân vật trong phân cảnh cụ thể.
"Có cảnh quay Long "đần" xô xát với Đăng (do diễn viên Thanh Sơn thủ vai - PV) lên tới 5 tiếng. Thời gian đầu, tôi gặp khó khăn trong việc nhập vai bởi chưa nhận ra sợi dây kết nối giữa mình và Long "đần". Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ, cảm thông của bạn diễn cùng ê-kíp trường quay khiến tôi dần kết nối tốt hơn với nhân vật", Trung "ruồi" chia sẻ.
Không khó để khiến khán giả nhận ra sự đầu tư của Trung "ruồi" với vai diễn nội tâm phức tạp này. Phân cảnh Long "đần" vừa đi xe máy, vừa khóc tạo nên nhiều ý kiến trái chiều trong đông đảo công chúng. Trung "ruồi" cho biết các vai diễn trước của anh đều là vai hài, vì vậy việc Long "đần" rơi nước mắt khiến công chúng đã quen với việc Trung "ruồi" luôn cười tít mắt bỗng nhiên thấy "lạ", có lẽ vì vậy đã có nhiều ý kiến khác nhau về phân cảnh này.
Duy Nam - chàng shipper có cách tán gái "bá đạo" trong Ngày mai bình yên
Trong phim Ngày mai bình yên, mặc dù chỉ là vai phụ, nhưng ít ai có thể quên được chàng shipper vui tính, láu táu nhưng lại có tài cưa gái "tuyệt đỉnh". Trong phim, Tuấn (Duy Nam thủ vai) trong những ngày dịch bệnh Covid-19 đã chuyển nghề làm shipper. Cậu đến công ty ngủ tạm với Hòa (Quang Trọng thủ vai) vài ngày.
Tuấn được Hòa giới thiệu đi ship bánh ngọt, trà sữa giúp dì Mai, còn Trà thì đến làm bánh cùng dì Mai để bán online. Cơ duyên tình cờ, Tuấn lại có được facebook của Trà để tán tỉnh, bằng cách nói chuyện "ngọt như mía lùi", anh nhanh chóng nhận được nụ cười của người đẹp.
Duy Nam với phân cảnh chàng shipper tán gái "bá đạo".
Vai Tuấn "shipper" do diễn viên trẻ Duy Nam đảm nhận. Với lối diễn tự nhiên, dí dỏm, vai diễn này nhanh chóng chiếm được tình cảm của người xem. Nam diễn viên bày tỏ với Dân Việt anh không gặp nhiều khó khăn khi đảm nhận vai Tuấn, bởi vai hài là thế mạnh.
"Tôi đã quen với vai diễn hài, vì vậy cách thể hiện vai Tuấn không quá lạ lẫm với mình. Mặc dù vậy, cái khó khi tham gia đóng phim Ngày mai bình yên đó là phim bấm máy trong thời gian Hà Nội đang áp dụng Chỉ thị 16 trong những ngày dịch bệnh. Đoàn làm phim đã phải "chạy đua" với thời gian, thử thách bản thân với cường độ làm việc cao và điều kiện quay hình khó khăn hơn bình thường", nam diễn viên sinh năm 1990 chia sẻ.
Kể lại kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia Ngày mai bình yên, Duy Nam cho biết đoàn làm phim phải nói đùa với nhau rằng đang làm việc với tốc độ ánh sáng, hôm nay nhận kịch bản thì có thể ngay ngày mai đã ghi hình.
"Điều này đòi hỏi tâm thế sẵn sàng và sự tập trung cao độ của diễn viên trong phim", Duy Nam cho hay.
Hoàng Phi - "hoán đổi" tính cách với vai Phước trong Cây táo nở hoa
Phước là con trai bà Bông do Hoàng Phi thủ vai, nhận vật phụ này nhanh chóng nhận được sự cảm mến của người xem phim Cây táo nở hoa. Phước có chút ngu ngơ, nhút nhát và dễ tin người nhưng bù lại thì vô cùng tốt tính, hay giúp đỡ người khác. Diễn viên Hoàng Phi đã khéo léo mang lại tiếng cười cho người xem với vai diễn này.
Chia sẻ với Dân Việt, Hoàng Phi cho biết anh đã phải chuẩn bị rất kỹ khi nhận kịch bản của bộ phim. "Vai diễn Phước trái ngược với tính cách tôi ở ngoài đời, Hoàng Phi bên ngoài khá "bụi", nam tính, khác với tính cách rụt rè, ê lệ và "hơi khờ" của Phước trong phim.
Để thể hiện tốt vai diễn, tôi đã phải nghiên cứu và quan sát đời thường ngay xung quanh mình. Phận người, tính cách đời thường đều có hết, chỉ cần lắng nghe và học hỏi thì diễn viên có thể "bắt chước" được cả những vai diễn hoàn toàn khác biệt với tính cách thật", Hoàng Phi chia sẻ.
Nam diễn viên trẻ cho biế,t điều may mắn lớn nhất của khi anh tham gia phim đó là được đóng chung tuyến với NSND Lan Hương nên được chỉ dạy nhiều kinh nghiệm diễn xuất.
"Tôi không ngại vai phụ, chỉ cần vai phụ nhưng có cá tính, có cái riêng thì mình sẽ có đất để thể hiện mình", Hoàng Phi nói với Dân Việt.
Nói về tuyến nhân vật phụ trong phim truyền hình để lại ấn tượng trong lòng khán giả, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ với Dân Việt rằng, đây là một tín hiệu mừng của điện ảnh Việt Nam.
"Điều này cho thấy cách xây dựng nhân vật theo quan điểm "điển hình hoá" đã dần lui về quá khứ. Người xem đã "tìm thấy mình" trong những hình tượng nhân vật dung dị, gần gũi đời thường. Cách làm này khiến câu chuyện phim dễ tin hơn, thuyết phục hơn.
Diễn viên bao giờ cũng có năng lực đặc biệt giúp họ hoá thân vào những nhân vật đôi khi ngược hẳn với tính cách ngoài đời của họ. Nhưng bên cạnh đó quan trọng không kém là từ trong kịch bản, tính cách nhân vật phải được khắc hoạ qua hành động kịch, qua lời thoại một cách hợp lý và chân thực.
Kịch bản hay là kịch bản làm được điều này. Các nhà biên kịch tạo ra nhân vật và đặt trọng trách thể hiện chủ đề, triết lý của truyện phim lên vai nhân vật. Đạo diễn, và diễn viên thấu cảm và thực hiện vai trò đó. Tuỳ mức thấu cảm của diễn viên mà nhân vật trở nên sắc sảo ở các mức khác nhau. Nhưng trước hết phải có nhân vật hay thì vai diễn của diễn viên mới hay được.
Bà Trịnh Thanh Nhã cho rằng, trong công tác đạo diễn, còn phải chỉ đạo diễn xuất, nghĩa là giúp cho diễn viên cảm nhận đầy đủ vai diễn của mình, gây "cảm hứng" cho họ, khiến họ có thể sống với vai diễn mà không bị gượng ép.
"Trong một số phim truyền hình, ta dễ dàng nhận ra những gương mặt, lối diễn na ná giống nhau, thậm chí từng có chuyện lời thoại của nhân vật này hơi dài, thì cũng có thể cắt để một nhân vật khác nói thêm… tức là đã không để diễn viên sống chết với vai diễn của mình nữa rồi.
Đây không phải là chuyện phổ biến, nhưng là nguyên nhân có một thời các phim truyền hình của ta cứ "mờ mờ nhân ảnh", nhạt nhoà cả về câu chuyện lẫn nhân vật. Rất may mắn gần đây các phim của VTV đã không còn hiện tượng này nữa", nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận định.
No comments