Xử phạt nghệ sĩ Việt cũng cần… "thẻ vàng, thẻ đỏ"
Nghệ sĩ Việt sai chỉ… xin lỗi?
Mới đây, Noo Phước Thịnh xin lỗi vì dòng trạng thái trên trang cá nhân có ngôn từ gây tranh cãi về tình dục. Nam ca sĩ bày tỏ: "Noo gửi một lời xin lỗi chân thành đến khán giả và mọi người yêu thương mình về phát ngôn vừa qua. Cũng nhờ vào sự cố mà mình cảm nhận được sự kỳ vọng và yêu thương của khán giả dành cho một Noo Phước Thịnh với hình ảnh sạch sẽ và chỉn chu...".
Trước Noo Phước Thịnh, Jack cũng lên tiếng xin lỗi về ồn ào tình ái liên quan đến những cô gái tự nhận là người yêu cũ của nam ca sĩ. Giọng ca "Sóng gió" thừa nhận có con với hotgirl Thiên An - nữ chính trong 4 MV của anh.
Jack mong mọi người tha thứ vì những thông tin không hay liên quan đến cá nhân mình trong suốt thời gian qua cũng như đã làm ảnh hưởng đến nhiều người giữa lúc cả nước đang gồng mình chống dịch.
Một loạt nghệ sĩ như: NSND Hồng Vân, MC Quyền Linh, diễn viên Diệu Nhi, Nam Thư, Phương Mỹ Chi… cũng từng xin lỗi khán giả vì quảng cáo sai sự thật, "thổi phồng" công dụng một số loại thực phẩm chức năng, quảng cáo tiền ảo…
Lời xin lỗi kịp thời giúp nghệ sĩ lấy lại hình ảnh trong mắt công chúng, ngăn chặn làn sóng tẩy chay ngày càng quyết liệt như hiện nay. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, ở một số trường hợp, nghệ sĩ xin lỗi thôi… chưa đủ!?
Có người xin lỗi như một câu cửa miệng, cứ làm sai rồi lại… xin lỗi, thiếu sự chân thành, không răn bản thân để làm đúng những lần sau. Có người coi "xin lỗi" như một cách giải quyết khủng hoảng "ít thiệt hại" nhất và liên tục lặp lại khiến khán giả mất niềm tin.
Trong khi đó nhìn sang nền giải trí Trung Quốc, Hàn Quốc: không hiếm nghệ sĩ nỗ lực khắc phục sau khi xin lỗi vì những bê bối đời tư, vi phạm pháp luật. Có người đã gượng dậy được sau cú vấp ngã, cũng có người mất trắng sự nghiệp!
Xử phạt nghệ sĩ cũng cần… "thẻ vàng, thẻ đỏ"!
Với thực tế, ngày càng nhiều ồn ào về đời tư, ứng xử của nghệ sĩ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang gấp rút hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử chung dành cho nghệ sĩ. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, sự ra đời của Bộ quy tắc ứng xử là rất cần thiết và cũng thể hiện sự sát sao của cơ quan quản lý văn hóa.
"Bộ quy tắc ứng xử là cần thiết. Nó sẽ là một trong những hành lang giúp nghệ sĩ nhìn vào đó mà biết chừng mực mình được làm gì và không nên hoặc không được làm gì. Nhưng có lẽ chưa đủ mạnh tới mức độ ngăn chặn được hành vi vi phạm ở cả hai khía cạnh ứng xử văn hóa và liên quan đến kinh tế, mà cụ thể là kêu gọi từ thiện, nếu một cá nhân nào đó cố tình vi phạm. Để nó có quyền lực thật sự, tôi nghĩ một mình Bộ Văn hóa không giải quyết được, phải có sự tham gia của liên bộ, liên ngành", nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, với một số trường hợp nghệ sĩ vi phạm thì lời xin lỗi thôi chưa đủ mà cần có biện pháp mạnh tay hơn: "Như chúng ta thấy quyền "phong sát" của Trung Quốc đang áp dụng, cá nhân tôi cảm nhận hơi nặng nhưng nó thể hiện quyền lực thực sự của ngành quản lý văn hóa. Tôi tin sau đây, lĩnh vực giải trí đặc biệt giải trí online của nước này sẽ đi vào đúng quỹ đạo mà ngành quản lý văn hóa của họ mong muốn hơn".
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Chuyên gia giáo dục - Tiến sĩ Vũ Việt Anh cũng khẳng định, sự cần thiết của Bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ. "Nghệ sĩ là người của công chúng, có ảnh hưởng đến lối sống, phong cách sống của nhiều người. Vì vậy mỗi hành vi ứng xử đều có thể tác động đến hàng triệu khán giả. Việc cần có một bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ là hết sức cần thiết", Tiến sĩ Vũ Việt Anh nói.
Tiến sĩ Vũ Việt Anh nhấn mạnh: "Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ cần đưa ra các hướng dẫn, khuyến cáo những việc nên làm, không nên, không được làm nhưng cũng cần có chế tài xử phạt rõ ràng để mang tính răn đe, cảnh báo. Các cấp độ xử phạt cũng nên như bộ môn bóng đá: cảnh cáo, thẻ vàng, thẻ đỏ, cấm quyền biểu diễn, xử lý trước pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm"…
No comments