"Nói phim "Người phán xử" khiến cho tội phạm xảy ra nhiều hơn là phiến diện, quy chụp"
Trong buổi Góp ý cho Luật Điện ảnh (sửa đổi), Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã nhắc tới bộ phim "Người phán xử". Ông cho biết, sau khi VTV chiếu phim "Người phán xử" thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm "xã hội đen" xảy ra rất nhiều. Ý kiến này đã làm nảy sinh nhiều tranh cãi trái chiều trong giới làm phim và công chúng yêu mến phim ảnh.
Để có thêm một góc nhìn, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang về vấn đề này.
Ông nghĩ gì về ý kiến, sau khi chiếu phim "Người phán xử" thì băng nhóm tội phạm "xã hội đen" xảy ra nhiều hơn… đang gây xôn xao trong dư luận?
- "Người phán xử" là bộ phim đảm bảo hai chức năng chính trong nhiều chức năng căn bản của nghệ thuật điện ảnh là chức năng phản ánh và chức năng giáo dục. Những mặt trái của xã hội đã được biên kịch và đạo diễn lựa chọn đưa vào phim một cách chân thực. Qua những mặt trái ấy, bộ phim khắc họa được sự phức tạp của tội phạm trong xã hội hiện đại, từ đó đề cao vai trò giữ gìn an ninh trật tự của các chiến sĩ cảnh sát.
Đồng thời, bộ phim cũng truyền đi nội dung giáo dục pháp luật rất lớn cho khán giả. Pháp luật luôn nghiêm minh, công bằng và không có "vùng cấm". Vì vậy, nói bộ phim này sau khi phát xong "đã khiến cho tội phạm xảy ra nhiều hơn" là không đúng, phiến diện và mang tính quy chụp.
Có người cho rằng, khi phát biểu gì cũng cần phải có sự phân tích trên những số liệu cụ thể và nhìn nhận dưới mọi góc độ. Nếu nói phim "Người phán xử" sau khi phát sóng làm cho các băng nhóm tội phạm gia tăng thì cần có một báo cáo chính thức từ cơ quan chức năng, tội phạm tăng là do các yếu tố nào? Yếu tố điện ảnh chiếm bao nhiêu phần trăm? Trong các vụ án đã triệt phá, có bao nhiêu băng nhóm hoạt động do xem phim "Người phán xử"… Ông có đồng tình quan điểm này?
- Phim ảnh, âm nhạc… mà nói chung là nghệ thuật như phận làm dâu trăm họ nên sẽ có ý kiến này – ý kiến kia là điều không tránh khỏi. Lúc xã hội vui thì phim ảnh cũng được xem là "giải trí", lúc xã hội nhiễu nhương thì phim ảnh - nghệ thuật bị lôi ra gán ghép. Tính "đổ lỗi" luôn là một thứ tâm lý thường trực trong mỗi chúng ta.
Song, chúng ta cần nhớ rằng, xã hội xuống cấp không phải lỗi của một lĩnh vực ngành nghề hay một bộ phim nào cả mà nó là sự tổng hợp của nhiều yếu tố. Đơn cử như sự mất cân đối giữa kinh tế và văn hóa. Kinh tế thì tăng vọt, còn văn hóa thì đóng băng. Xã hội chạy theo đồng tiền, bỏ lại sau lưng các giá trị nhân văn, tình người, gia đình... thì chắc chắn xã hội đó không thể tốt đẹp và hạnh phúc được.
Vì vậy, yếu tố tội phạm gia tăng là do các vấn đề xã hội nảy sinh, chứ không phải lỗi nằm ở phim ảnh, lại càng không thể đổ lỗi cho việc khán giả xem phim "Người phán xử" được. Thực tế, đánh giá tình trạng tội phạm gia tăng trong xã hội là nhiệm vụ của các nhà xã hội học và các nhà tội phạm học. Hàng năm, họ đều có báo cáo đầy đủ lên Chính phủ rồi.
Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu về văn hóa, ông có cho rằng, phim mà nhiều yếu tố bạo lực quá cũng dễ khiến chức năng giáo dục bị suy giảm, thậm chí có tác dụng ngược?
- Tôi cho rằng, yếu tố bạo lực chỉ là lớp băng nổi xuất hiện trong các bộ phim về đề tài hình sự - một dòng phim chính thống mà Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất. Phía dưới của lớp băng ấy là cả phần chìm lớn, các giá trị khác với ý nghĩa thức tỉnh xã hội cao như: giá trị tình thân, giá trị gia đình, trách nhiệm xã hội…
Vì vậy, sự khác biệt giữa những bộ phim chính thống kiểu như "Người phán xử" với những clip, video phim bạo lực xuất hiện trên YouTube hoặc nền tảng trực tuyến khác nằm ở chỗ, trong dòng phim chính thống, yếu tố "bạo lực" chỉ góp phần tạo "độ căng" cho câu chuyện giáo dục, chứ không thể làm chức năng giáo dục mất đi vai trò quan trọng trong phim; trong khi đó, "yếu tố" bạo lực ở các video phim xã hội xuất hiện trên YouTube, Facebook… thường ít hoặc không đặt nặng chức năng giáo dục.
Tác giả của những video, clip ấy thường xem giá trị giải trí và giá trị thương mại mới là những giá trị đóng vai trò chính. Hai kiểu "hành động" thuộc hai dạng thức phim chính thống và không chính thống, chúng ra cần phân biệt rạch ròi.
Theo ông, so với các phim thuộc dòng phim hành động - hình sự truyền hình của nước ngoài, yếu tố bạo lực trên phim Việt đã đến mức phải cảnh báo hoặc cần phải được tiết chế lại?
- Theo tôi, nên tiết chế bớt các cảnh quay "hành động" mang tính ám ảnh, hoặc tạo cảm giác chết chóc, phản cảm. Và cần phải khóa yếu tố bạo lực ở mức độ mang tính minh họa cho nội dung thông điệp chính của bộ phim, để làm sao yếu tố nhân văn, yếu tố thẩm mỹ phải là những yếu tố tiên quyết.
Làm được điều này, phim hành động Việt sẽ không bị sa vào cảnh hành động phản cảm, gây bức xúc hoặc ám ảnh xã hội. Theo nhãn quan khán giả của mình, tôi cho rằng, yếu tố bạo lực trong phim truyền hình Việt chưa đến mức "giới hạn đỏ" phải cảnh báo nhưng cần phải tiết chế dần.
Ông nhìn nhận gì về khâu kiểm duyệt phim truyền hình trên sóng truyền hình quốc gia và nhiều kênh sóng địa phương hiện nay?
- Trên sóng truyền hình quốc gia, phim Việt dù sao vẫn làm "an lòng" khán giả hơn. Sự tin cậy cao hơn. Bởi vì, với phim được phát sóng trên truyền hình quốc gia thì tính báo chí, tính định hướng, tính giáo dục sẽ là những "tiêu chuẩn" cứng để bộ phim được sàng lọc kỹ càng trước khi đến với khán giả.
Còn đối với phim chiếu rạp thì mặc dù đã có Hội đồng duyệt phim Quốc gia nhưng mục đích chính của phim chiếu rạp là hoạt động "kinh doanh điện ảnh", cho nên, yếu tố nghệ thuật, yếu tố giải trí, yếu tố thẩm mỹ sẽ là những tiêu chuẩn được ưu tiên xem xét.
Riêng đối với phim chiếu trên các nền tảng mạng xã hội như: YouTube, Facebook, Netflix… thì khâu kiểm duyệt ở ta tương đối yếu và thiếu các chế tài chặt chẽ đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào chức năng kiểm duyệt của nhà cung cấp nền tảng dựa trên các "tiêu chuẩn cộng đồng".
Thế nên, khi phát sóng trên các nền tảng mạng xã hội, phim Việt dễ bị "bỏ lọt" những dòng phim mang tính bạo lực và kích động mặt trái của xã hội hơn phim truyền hình và phim chiếu rạp.
Nhiều người cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận công bằng với các bộ phim có yếu tố bạo lực trên truyền hình để phim ảnh không chỉ thực hiện đủ chức năng tự thân của nó mà còn đi vào đời sống một cách gần gũi, tự nhiên nhất? Và để thúc đẩy sự sáng tạo của các nhà làm phim Việt?
- Tôi cho rằng nhận định này đúng. Phim hành động, hay yếu tố hành động trong phim chỉ là một dòng hoặc một yếu tố trong nhiều mảng xã hội cần phản ánh. Nếu như chúng ta quá đề cao phim hành động hoặc yếu tố hành động trong phim thì vô hình làm mất cân đối hệ sinh thái thẩm mỹ của khán giả, thậm chí khiến cho xã hội bị đảo lộn các giá trị.
Phim ảnh cũng giống như con người, nó có đời sống nghệ thuật riêng nhưng nó tồn tại được hay không là nhờ khán giả. Nếu những bộ phim đi ngược lại các giá trị chung của cộng đồng thì dù có đầu tư lớn hay quy mô đến đâu, bộ phim đó cũng không sống được.
Thị hiếu khán giả, giá trị đóng góp cho xã hội, làm trong lành nền văn hóa… chính là những "tiêu chuẩn vàng" để phim ảnh Việt sống lâu được trong lòng công chúng. Mặt khác, Nhà nước mà trước hết là Bộ VHTT&DL cần có chế độ khuyến khích với các nhà làm phim.
Ngoài việc hỗ trợ về cơ sở vật chất cho sản xuất phim truyền hình thì Nhà nước cần có những cơ chế cởi mở hơn cho chim Việt, giảm bớt những rào cản thiết chế không cần thiết, để phim Việt có được những sản phẩm vừa giàu tính nghệ thuật, vừa bám sát cuộc sống nhưng vẫn đảm bảo tính giáo dục.
Phim Việt có sống được và tác động tích cực đến sự thay đổi xã hội, khiến xã hội nhân văn hơn thì mối quan hệ giữa Nhà nước – Nhà sản xuất cần được xem là mối quan hệ tương hỗ hơn là mối quan hệ phụ thuộc, giằng chéo.
Cảm ơn nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang đã chia sẻ thông tin!
No comments