Băn khoăn chuyện nhạc sĩ, nhà nhiếp ảnh được xét tặng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú
Nhạc sĩ, nhiếp ảnh được xét tặng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú
Nghị định số 61/2024/NĐ-CP ngày 06/6/2024 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" gồm 5 Chương và 19 Điều. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 22/7/2024, trong đó có một số quy định mới, chặt chẽ và khoa học hơn về xét tặng danh hiệu.
Theo đó, các đối tượng được xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" theo Nghị định số 61/2024/NĐ-CP sẽ bao gồm: diễn viên, đạo diễn, biên đạo múa, chỉ huy dàn nhạc, chỉ huy hợp xướng, chỉ huy giao hưởng nhạc vũ kịch, chỉ đạo nghệ thuật, quay phim, họa sĩ, phát thanh viên thì nay còn có thêm nhạc sĩ sáng tác tác phẩm âm nhạc và nhà nhiếp ảnh.
Như vậy, theo Nghị định mới, đối tượng xét tặng có sự mở rộng. Đối với cá nhân hoạt động biểu diễn nghệ thuật, bổ sung quay phim thể loại phim kết hợp nhiều loại hình. Đối với người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật bổ sung nhạc sĩ sáng tác tác phẩm âm nhạc và nhà nhiếp ảnh. Hai đối tượng này được bổ sung trên cơ sở đề xuất của một số hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương.
Nghị định cũng quy định cụ thể hơn đối với cá nhân là người cao tuổi, cá nhân là giảng viên các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật… có nhiều đóng góp tiêu biểu, xuất sắc trong loại hình, ngành nghề nghệ thuật và vẫn đang tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.
Nghị định mới quy định chi tiết, cụ thể hơn về cách tính thời gian hoạt động văn hóa, nghệ thuật của cá nhân hoạt động biểu diễn nghệ thuật và cá nhân sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, bổ sung bảng quy đổi giải thưởng cho tác phẩm âm nhạc và tác phẩm nhiếp ảnh.
Về thời gian xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", yêu cầu có thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên hoặc 15 năm trở lên đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa. Đã được tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Ưu tú", sau đó tiếp tục có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia, trong đó có 1 giải Vàng quốc gia là của cá nhân.
Còn tiêu chuẩn với xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Ưu tú" có thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên hoặc 10 năm trở lên đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa. Có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia, trong đó có 1 giải Vàng quốc gia là của cá nhân.
Cũng theo Nghị định, nhiều điểm "khúc mắc" trong việc xét tặng danh hiệu cũng đã được tháo gỡ và khoa học hơn. Trong đó với tiêu chuẩn xét danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", giải Vàng trong nước của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
Giải thưởng quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục do cơ quan chuyên môn về hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Bộ VHTTDL xem xét, có văn bản quy đổi để làm căn cứ tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
Trong trường hợp không có 1 giải Vàng quốc gia là của cá nhân thì phải có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia được quy đổi cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
Bên cạnh đó, việc xét tặng cũng đưa ra tiêu chuẩn, có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia đối với tác phẩm âm nhạc hoặc tác phẩm nhiếp ảnh. Giải Vàng trong nước của tác phẩm âm nhạc hoặc tác phẩm nhiếp ảnh được tính quy đổi theo tỉ lệ quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này. Giải thưởng quốc tế của tác phẩm âm nhạc hoặc tác phẩm nhiếp ảnh do cơ quan chuyên môn về văn hóa, nghệ thuật của Bộ VHTTDL xem xét, có văn bản quy đổi để làm căn cứ tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
Cá nhân có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tăng thêm 10 năm so với quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này; có nhiều đóng góp tiêu biểu xuất sắc trong loại hình, ngành, nghề nghệ thuật được tôn vinh; hiện vẫn tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, phục vụ các hoạt động nhiệm vụ chính trị cấp tỉnh, thành phố, cấp bộ, cấp quốc gia.
Băn khoăn chuyện quy đổi huy chương
Tuy nhiên, chia sẻ với Dân Việt, NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, việc quy đổi Huy chương theo Nghị định số 61/2024/NĐ-CP vẫn còn nhiều bất cập. Theo đó, huy chương mà cá nhân đạt được trong các Hội diễn do Hội nghề nghiệp tổ chức chỉ được tính 2/3 so với Huy chương các Liên hoan, Cuộc thi do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức là điều chưa hợp lý.
"Đây là một điều rất bất cập vì công sức bỏ ra, sự đầu tư, sự sáng tạo của đội ngũ sáng tạo với từng tác phẩm nghệ thuật đều như nhau. Hội đồng chuyên môn ở Hội diễn cũng đều là những người có chuyên môn, có trình độ, có kinh nghiệm, có uy tín và danh tiếng. Quy mô tổ chức cũng cấp toàn quốc và là sân chơi của tất cả đoàn nghệ thuật. Vậy không có lí do gì để quy đổi huy chương của Hội nghề nghiệp tổ chức còn 2/3 so với huy chương của Cơ quan quản lý nhà nước tổ chức", NSND Trịnh Thúy Mùi nói.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam - NSND Phạm Anh Phương cũng cho rằng, nên đồng nhất cách tính điểm huy chương mà nghệ sĩ đạt được trong các Liên hoan, Cuộc thi do cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật tổ chức với huy chương đạt được tại các Hội diễn do Hội nghề nghiệp tổ chức.
Với lĩnh vực múa, các tác phẩm mang đi dự thi tại các Liên hoan, Cuộc thi, Hội thi, Hội diễn… đều là những gì tinh túy của sự sáng tạo. Và người nghệ sĩ đảm nhận những vai chính trong vở diễn luôn phải đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt và chất xám để hoàn thành vai diễn của mình. Cho nên, nếu việc quy đổi như hiện hành sẽ gây thiệt thòi cho các nghệ sĩ.
NSND Trịnh Thúy Mùi cũng nói thêm rằng, hai đối tượng mới được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú là nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia đã được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (VHNT). Nếu hai đối tượng này thuộc nhóm "người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật" sẽ dẫn đến việc chồng chéo.
No comments